Dòng vốn trong nước ngày càng ít bị chi phối bởi động thái bán ròng của khối ngoại.

Dòng vốn trong nước ngày càng ít bị chi phối bởi động thái bán ròng của khối ngoại.

Tiền nội “đấu” tiền ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trong nước, trong đó chủ yếu là dòng tiền cá nhân, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tự doanh chiếm tỷ trọng nhỏ trong thanh khoản

Tuần trước nữa, khối tự doanh công ty chứng khoán ghi nhận trạng thái mua ròng. Trong phiên thanh khoản lập kỷ lục hơn 2 tỷ USD ngày 20/8/2021 cũng có sự góp mặt của khối tự doanh, với giá trị mua ròng đạt 735,49 tỷ đồng, mà tâm điểm là hai cổ phiếu VPB và TCB.

Tuy nhiên, tuần qua, tự doanh công ty chứng khoán quay trở lại bán ròng. Phiên 25/8, cùng với sự phục hồi nhẹ của chỉ số VN-Index lên trên mốc 1.310 điểm, khối này đã bán ròng 278,3 tỷ đồng.

Mua bán ròng của khối tự doanh công ty chứng khoán.

Mua bán ròng của khối tự doanh công ty chứng khoán.

Ở vị trí “người trong cuộc”, giám đốc tự doanh một công ty chứng khoán lớn nhận định, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán không có nhiều tác động đến thị trường.

Theo vị này, so với giá trị giao dịch toàn thị trường, quy mô tự doanh hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Tự doanh của công ty chứng khoán cũng chỉ tương đương với quy mô tài khoản của một số nhà đầu tư cá nhân lớn.

“Công ty chứng khoán hiện tại mua, bán không hoàn toàn với vai trò của một nhà đầu tư, mà gồm các vai trò đầu tư, tạo lập, phòng ngừa rủi ro chứng quyền, kinh doanh chênh lệch giá, mua bán hộ… Do đó, việc họ mua - bán cũng không hoàn toàn thể hiện quan điểm thị trường”, chuyên gia tự doanh cho biết và dẫn chứng, nếu một công ty chứng khoán tạo lập ETFs mua 500 tỷ đồng cho một quỹ ETFs nào đó, nếu nhìn ở góc độ thị trường thì đây là một động thái tốt.

Tuy nhiên, nếu xét về bản chất, đó là nghiệp vụ khi khối ngoại/tổ chức nào đó rút vốn, tự doanh sẽ mua lại ETFs, sau đó bán cổ phiếu cơ sở vào một thời điểm nhất định và hủy niêm yết lô chứng chỉ quỹ đó. Như vậy, thực chất ở đây là khối ngoại rút vốn.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng tự doanh công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu là tạo lập thị trường (market maker) cho các quỹ chỉ số như VN30, VNDiamond, CW…, đặc biệt cho những pha đáo hạn, chứ không đơn thuần là đầu tư tài chính như trước đây.

Trong trường hợp các quỹ muốn phân phối chứng chỉ quỹ ETF thì sẽ gặp gỡ các công ty chứng khoán để hợp tác làm đại lý phân phối. Đại lý phân phối ETF có 2 dạng, hoặc chỉ thuần là đại lý phân phối, hoặc vừa làm phân phối vừa tạo lập thị trường cho ETF đó.

Các công ty chứng khoán vừa phân phối, vừa làm nhà tạo lập thị trường thì sẽ dùng tài khoản tự doanh. Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng chứng chỉ quỹ ETF thì tự doanh bán ròng chứng chỉ quỹ ETF, hoặc các cổ phiếu trong VN30, VN Diamond là chính. Thỉnh thoảng, có trường hợp tự doanh giá trị lớn khi có đáo hạn hợp đồng phái sinh.

Tất nhiên, tận dụng điều kiện và nắm bắt xu hướng để tối đa hoá lợi nhuận cũng là lựa chọn của các công ty chứng khoán, đặc biệt đối với các công ty chỉ hoạt động tự doanh đơn thuần như SHS, VietinbankSc…

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hiện định giá của chỉ số VN-Index đang ở mức hấp dẫn so với cách đây chỉ 2 tháng. Chỉ số P/E của VN-Index hiện ở mức 15,6 lần, thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm.

Điều này đã kích thích dòng tiền giải ngân đến từ tự doanh của các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư trong nước vốn có cái nhìn tương đối lạc quan về triển vọng trung dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam và thời điểm hiện tại đã bắt đầu xuất hiện những cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trong vòng 1 năm tới.

Nhưng cũng như nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn tự doanh cũng “hên xui”. Hồi đầu năm nay, thị trường liên tục tăng điểm thì tự doanh liên tục bán ròng. Hoặc như đợt giảm tháng 7, tự doanh bắt đáy sớm, sau đó lại liên tục bán ra ở đáy thị trường.

Dòng tiền ít bị lung lay theo khối ngoại

Giá trị giao dịch của khối ngoại mỗi ngày chỉ chiếm chưa tới 8% tổng giá trị giao dịch

Thị trường đang phân hóa mạnh và chỉ những nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng mới thu hút dòng tiền và tăng trưởng. Việc khối ngoại bán ròng hơn 8.000 tỷ đồng chỉ trong hai tuần qua không gây ảnh hưởng quá lớn đến dòng tiền chung trên thị trường, vì hiện nay giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm chưa tới 8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi phiên. Tỷ trọng này giảm mạnh so với mức xấp xỉ 20% trong giai đoạn 2026 - 2018.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), cách đây 5 - 6 năm, thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước chỉ loanh quanh khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng)/phiên, nên chỉ cần có những phiên nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 300 - 400 tỷ đồng là nhà đầu tư trong nước chịu sức ép rất lớn.

Còn hiện tại, thanh khoản thị trường thường xuyên ở ngưỡng 1 tỷ USD (tương đương 23.000 tỷ đồng) nên giao dịch của khối ngoại không còn chiếm tỷ trọng lớn cũng như có nhiều chi phối đến dòng tiền trong nước.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho biết, cũng như nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị nhà đầu tư ngoại bán ròng. 6 tháng đầu năm 2021, khối này bán ròng hơn 29.875 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Bước sang tháng 7, khối ngoại mua ròng 4.941 tỷ đồng, tính riêng trên sàn HOSE và quay lại xu hướng bán ròng trong tháng 8. Tuy vậy, so với quy mô rút ròng tại một số thị trường trong khu vực trong 7 tháng đầu năm 2021 như Malaysia, Philippines, Thái Lan thì tỷ trọng bán ròng tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Theo ông Phúc, kể cả khi nhà đầu tư ngoại bán ròng liên tiếp 15 phiên với quy mô lớn thì dòng tiền trong nước vẫn rất mạnh. Tiền luôn sẵn trong tài khoản chực chờ cơ hội cho thấy dòng vốn trong nước đang dần ít bị chi phối bởi động thái bán ròng của khối ngoại.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng hơn 80% trên tổng khối lượng giao dịch. Không nghi ngờ gì khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vẫn đang đóng một vai trò rất quan trọng đối với thanh khoản cũng như xu hướng chung trên thị trường.

Dòng tiền của nhà đầu tư vẫn “rình rập” tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu tốt mỗi khi giá có sự chiết khấu đáng kể, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp.

Kinh tế Việt Nam đã giữ vững được xu hướng tăng trưởng, kéo theo mặt bằng giá các cổ phiếu đang dần ổn định trở lại và thị trường có thể dần lấy lại được đà hồi phục một cách từ tốn nhưng vững chắc. Hơn nữa, người dân có dòng tiền nhàn rỗi khá nhiều và trong giai đoạn hầu như các kênh đầu tư khác gặp khó khăn thì kênh chứng khoán sẽ càng được chú ý và quan tâm.

Tin bài liên quan