Tiền lỏng kém nhiệt tâm với cổ phiếu

Tiền lỏng kém nhiệt tâm với cổ phiếu

(ĐTCK) Thanh khoản trên cả hai sàn chứng khoán sụt giảm mạnh, bất động sản thiếu vắng nguồn cung suốt gần 1 năm qua. Hai kênh đầu tư quan trọng đều không hút được dòng tiền, vậy dòng tiền đang nằm ở đâu? Đây là điểm thắc mắc chung của nhiều người khi quan sát diễn biến dòng chảy của tiền trong nền kinh tế.

Chào bán lãi suất cao, trái phiếu tăng sức hút dòng tiền

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Everest chia sẻ, việc các doanh nghiệp bất động sản đua nhau huy động trái phiếu với lãi suất cao cho thấy, các doanh nghiệp này đang khát tiền. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đẩy lãi suất trái phiếu lên đến trên 12%/năm, có doanh nghiệp công khai huy động lãi suất 14 - 15%/năm là một chỉ báo cho thấy dòng tiền lỏng ngày càng có giá.

Thực tế này nếu đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tại các nước lân cận như Malaysia, Singapore, Hàn Quốc chỉ 1 - 2%/năm, thậm chí tại Nhật Bản, người gửi tiền còn phải trả phí cho ngân hàng giữ tiền giúp họ cho thấy dòng chảy vốn tại Việt Nam “nóng bỏng” hơn nhiều.

Quan sát thị trường gần đây có thể nhận ra, bên mua trái phiếu có thể là nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức đầu tư như quỹ, ngân hàng, công ty chứng khoán, nhưng một lượng tiền lớn đã được đổ vào trái phiếu doanh nghiệp. Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm nay chỉ mới đạt 5,74%, thấp hơn so với con số 6,16% của cùng kỳ năm 2018.

Tuần trước, Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra nhận định, khác với nửa đầu năm 2018, vốn huy động tăng ngang bằng với tín dụng. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng huy động luôn thấp hơn so với tín dụng. Trên thị trường tiền tệ, áp lực huy động vốn với các ngân hàng thương mại vẫn cao và lãi suất huy động sẽ khó giảm, nhất là ở các kỳ hạn dài.

Lãi suất giảm, nếu có, sẽ chỉ giới hạn ở các kỳ hạn ngắn do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thấp. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng muốn kéo giãn chênh lệch giữa kỳ hạn ngắn và dài để tạo sự hấp dẫn cho kỳ hạn dài, từ đó tăng tỷ trọng huy động vốn trung và dài hạn.

Nếu lãi suất không giảm, tăng trưởng tín dụng tiếp tục được siết lại thì nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp còn tăng, tiếp tục hút bớt nguồn tiền đầu tư từ thị trường chứng khoán.

Phó tổng giám đốc Everest cho rằng, khi dòng vốn chảy vào trái phiếu, là vốn cam kết vay trung hạn, việc chuyển đổi trở lại thị trường chứng khoán sẽ không thể diễn ra ngay lập tức. Đây có lẽ là một trong các yếu tố khiến thanh khoản trên thị trường cổ phiếu khó kỳ vọng dễ dàng trở lại nhịp sôi động.

Vàng, bất động sản có cạnh tranh hút vốn?

Thời gian gần đây, kênh đầu tư vàng đang thu hút sự quan sát trở lại của giới đầu tư trước thông tin các ngân hàng trung ướng đang tìm cách nới lỏng định lượng trở lại để hỗ trợ tăng trưởng. Theo nhiều chuyên gia, nếu như trước đây, việc tăng lãi suất được các ngân hàng nói đến nhiều và lên lộ trình để thực hiện thì thời điểm này, sau khi thương chiến Mỹ -Trung nổ ra, câu chuyện đã ngược lại.

Phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nới lỏng bằng cách hạ dự trữ bắt buộc và để đối phó với chiến tranh thương mại, Trung Quốc còn nhiều công cụ hỗ trợ khi mà tỷ lệ dữ trữ bắt buộc còn cao, dự trữ ngoại tệ còn nhiều... Trung Quốc thực hiện các biện pháp nới lỏng khi chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang, khiến các ngân hàng trung ương khác cũng khó có thể tăng lãi suất. “Câu chuyện còn lại có lẽ chỉ là bàn tính xem liệu lãi suất có giảm không mà thôi”, đại diện một quỹ đầu tư nói.

SSI cho rằng, kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong năm 2019 vẫn duy trì ở mức cao, nhưng khả năng tăng ngay trong tháng 6 (18 - 19/6) là khá thấp. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng giảm liên tục, trong khi các kỳ hạn khác gần như đi ngang giúp thu hẹp chênh lệch lợi tức (kỳ hạn 3 tháng - kỳ hạn 10 năm) từ mức 25bps xuống 9bps, cải thiện tình trạng đảo ngược của đường cong lợi tức.

Tuy nhiên, vàng có trở thành kênh đầu tư hút vốn sau thời gian dài bị lãng quên hay không còn tùy thuộc vào động thái của các ngân hàng, vì các phân tích trên mới chỉ là phỏng đoán. Vàng chỉ mới được đưa vào tầm quan sát, chứ chưa phải là kênh hút vốn một cách rõ ràng.

Câu chuyện ai cũng thấy rõ là thị trường bất động sản trong gần một năm qua thiếu vắng nguồn cung nên rất ít dự án được mở bán. Dự án nào được mở bán tại TP.HCM hay Hà Nội đều rất hút hàng tuy nhiên, tính đơn lẻ của dự án được chào bán và các dự án chủ yếu ở phân khúc trung bình nên nguồn vốn huy động không quá lớn.

Gửi tiết kiệm với lãi suất huy động cao chính là kênh hút dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, đối với giới đầu tư chứng khoán thì gửi tiết kiệm chỉ là kênh tạm thời và vốn gửi tiết kiệm dễ dàng chảy ngược trở lại thị trường chứng khoán chỉ sau vài cú nhấp chuột.

Nhưng nếu tiền lỏng đang tập trung nhiều ở tiết kiệm thì tại sao thị trường chứng khoán không thu hút được dòng tiền này “vào, ra”? Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc phụ trách đầu tư một công ty chứng khoán cho biết: “Thị trường vẫn có lực cầu ổn định, nhưng ở mức yếu”.

Thị trường đã chững lại khá lâu, nên cơ hội đầu tư dài hạn, nếu xét trên các chỉ số cơ bản (P/E toàn thị trường khoảng 16 lần; P/E nhóm cổ phiếu có giao dịch lớn nhất khoảng 20 lần…) là khá hấp dẫn.  Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường yếu khiến cơ hội thu lời trong ngắn hạn khó khăn. Trong khi đó, đầu tư dài hạn chưa phải là “khẩu vị” đầu tư phổ biến của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt.

Môi trường kinh doanh có nhiều yếu tố khó lường, khiến câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều doanh nghiệp trong nước suy giảm tốc độ tăng trưởng trong quý I/2019 và nhìn thấy trước khả năng quý II không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

Khối doanh nghiệp bất động sản là tâm điểm khó khăn khi nhiều dự án bị ách tắc thủ tục, không có hàng để bán. Khối ngân hàng đối diện với bài toán giảm tăng trưởng tín dụng. Nhóm sản xuất đối diện với bão hòa thị trường và mở rộng thị trường khó khăn hơn do cạnh tranh ngày một lớn. Các nhóm ngành lớn gặp khó khăn kéo theo các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng cũng chững lại đà tăng trưởng…

Điểm sáng vĩ mô là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao, 5 tháng đầu năm 2019 vào Việt Nam đạt 16,7 tỷ USD, hỗ trợ cho cung tiền và ổn định tỷ giá trước áp lực bên ngoài. Tuy nhiên, thị trường tài chính thế giới dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn là áp lực lớn nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ, vì chưa biết cuộc chiến Mỹ - Trung sẽ diễn tiếp như thế nào và sẽ tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu, nên quỹ của ông chọn cách đứng ngoài quan sát thị trường. Quỹ cũng nhận ra có nhiều cổ phiếu tốt mà năm ngoái đã phải mua vào với mức định giá cao hơn hiện tại, nhưng việc mua thêm nữa hay không lại phải cân nhắc nhiều yếu tố hơn là giá thị trường.

Trong tuần trước, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu cơ sở được lựa chọn để phát hành chứng quyền đảm bảo (CW) sẽ tăng giá vì các công ty chứng khoán phải mua một lượng lớn cổ phiếu tương ứng với lượng chứng quyền phát hành ra.

Có 26 mã cổ phiếu được Sở GDCK TP. HCM cho phép các công ty chứng khoán chọn làm CW, nhưng thực tế giá các cổ phiếu cơ sở chọn phát hành chứng quyền này đã không tăng như kỳ vọng. Công ty chứng khoán có nhiều nghiệp vụ đảo hàng để đảm bảo tích kho với giá vốn thấp, nên đã không có chuyện đẩy giá chứng khoán tăng như dự báo của nhiều nhà đầu tư.

Có thể thấy, dòng tiền lớn không chuyển sang các kênh khác ngoài một phần chuyển sang trái phiếu doanh nghiệp, mà chủ yếu vẫn đang đứng bên cạnh quan sát thị trường. Thời điểm nào và cần những động lực nào để dòng tiền nhiệt tâm trở lại với thị trường cổ phiếu? Câu hỏi này phụ thuộc vào phán đoán của mỗi thành viên, trong bối cảnh bức tranh chung ngày càng có nhiều yếu tố bất định.

Tin bài liên quan