Tiến độ gặp khó, nhà đầu tư điện gió tiếp tục đề nghị gia hạn giá FIT

0:00 / 0:00
0:00
Do Covid-19, nên nhiều dự án điện gió gặp khó trong việc chạy đua tiến độ để kịp công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 và các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị lùi thời hạn.
Hiện có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD.

Hiện có 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD.

Hàng ngàn MW điện gió “lỡ hẹn” giá FIT

Số liệu mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong số 106 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 5.655 MW đăng ký thử nghiệm COD, thì đến cuối tháng 9/2021, chỉ có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW được công nhận vận hành thương mại. Như vậy, nếu đúng tiến độ, thì chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, 106 dự án kể trên sẽ đến hạn chót nhận giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến thời điểm này, đây là điều bất khả thi.

Mới đây, Viện Năng lượng trích nhận định của EVN cho rằng, sẽ có tổng cộng 3.000 MW điện gió vào vận hành trong năm 2021. Như vậy, nhiều khả năng, hàng chục dự án với hơn 2.000 MW điện gió sẽ không kịp COD trước hạn chót là ngày 1/11/2021.

Giám đốc một doanh nghiệp điện gió ở Hướng Hóa (Quảng Trị) cho rằng, hầu hết dự án điện gió gặp vướng mắc vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo kế hoạch, mỗi dự án ở Quảng Trị phải có 10 chuyên gia nước ngoài đến làm các công đoạn cuối cùng, nhưng đến nay, chưa có người nào vào Việt Nam. Trong khi đó, họ không cho phép người Việt Nam làm các phần việc đó. Nếu vào được, thì vẫn phải cách ly. “Dự án của chúng tôi cũng có khó khăn đó”, vị giám đốc này chia sẻ.

“2 năm vướng dịch bệnh Covid-19, nên các dự án khó triển khai kịp tiến độ. Thực sự, các dự án điện gió gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai”, doanh nghiệp này chia sẻ.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cũng đã có kiến nghị gia hạn giá FIT cho điện gió. Trong đó, UBND Đắc Lắk kiến nghị được gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/11/2022. UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.

Có 11 dự án đang thi công, nhưng với tình trạng chậm tiến độ thi công, khó đảm bảo vận hành kịp thời hạn hưởng giá FIT, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đến hết ngày 31/3/2022.

Lý do được các địa phương đưa ra là dịch bệnh diễn biến phức tạp, dẫn tới tiến độ cung cấp tua-bin gió của nhà thầu cung cấp thiết bị ở nước ngoài chậm tiến độ, cộng với vận chuyển khó do giãn cách xã hội, hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia và công nhân, xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, giá cả vật tư tăng cao..., nên rất nhiều dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vận hành.

Trước đề xuất của các địa phương, ngày 15/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công thương và các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về đề nghị gia hạn thời gian thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương xem xét cụ thể kiến nghị của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề vượt thẩm quyền.

Cú sốc với các nhà đầu tư

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho rằng, việc xem xét gia hạn áp dụng giá FIT điện gió thêm một thời gian là rất cần thiết. Ngày 20/7/2021, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng đã có Công văn số 198/CV-VCEA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc gia hạn giá FIT cho các dự án điện gió trong vòng 3 - 6 tháng.

Hiệp hội đưa ra 5 khó khăn rất cơ bản và khách quan để các cơ quan xem xét gia hạn cho các dự án điện gió.

Nếu không gia hạn giá FIT, thì các Dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT. Đến lúc này, phương án giá điện gió cho những Dự án không kịp tiến độ đó vẫn chưa có, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

Thứ nhất, một số nhà cung cấp thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ đã cam kết, làm ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án điện gió đang triển khai.

Thứ hai, cũng do dịch bệnh, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn như đã cam kết trong các hợp đồng về mua bán thiết bị, tư vấn.

Thứ ba, việc vận chuyển thiết bị (phần lớn các thiết bị cho dự án điện gió là mặt hàng siêu trường, siêu trọng) gặp rất nhiều trở ngại do phải thực hiện quy định để phòng chống dịch tại các địa phương.

Thứ tư, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng, vì nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, việc nghiệm thu vận hành thương mại cũng tiềm ẩn nhiều trở ngại khi hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021, trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Do vậy, EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.

“Nếu không được gia hạn, thì trong số hàng trăm dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN, sẽ có rất nhiều dự án gặp khó. Trước hết là vấn đề vốn, bởi vì suất đầu tư dự án điện gió khá cao. Suất đầu tư 1 MW điện gió khoảng 2 triệu USD. Nếu không gia hạn giá FIT, thì các dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT. Đến lúc này, phương án giá điện gió cho những dự án không kịp tiến độ đó vẫn chưa có, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro”, TS. Mai Duy Thiện chia sẻ.

Tin bài liên quan