Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành Ngân hàng được NHNN gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, tính đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của 4 Ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 159,6 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, để nâng cao năng lực tài chính, hiện nay, 4 Ngân hàng thương mại nhà nước đã và đang tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ.
Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo Quyết định 107/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại.
NHNN đang trình Thủ tướng chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế.
Bên cạnh đó, NHNN đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020.
Cụ thể hơn về việc cổ phần hóa Agribank, Báo cáo NHNN cho biết, đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017.
Đến 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2094/2174 cơ sở nhà, đất. Đối với 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, trên cơ sở quy định tại 67/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021), NHNN đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.
Đối với các Ngân hàng thương mại cổ phần, Báo cáo cho biết, về cơ bản đều bám sát Phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Cụ thể, đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của các Ngân hàng TMCP đạt 334,6 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 6.417,9 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 4.967,5 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 3.973,2 nghìn tỷ đồng.
Đối với 3 Ngân hàng thương mại mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB), trên cơ sở chủ trương, định hướng của các cấp có thẩm quyền và căn cứ quy định pháp luật, NHNN đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng này chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
“NHNN đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan để hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và DAB xây dựng/hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền”, Báo cáo cho biết.
Đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, NHNN đã chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, NHNN đã triển khai các giải pháp để tăng cường vai trò của các NHTM trong việc hỗ trợ các Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém (NHNN đã chấp thuận cho 4 Ngân hàng TMCP tự nguyện tham gia xử lý 11 Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém, không có khả năng phục hồi và 12 Ngân hàng TMCP tự nguyện tham gia xử lý Quỹ Tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt).
Việc triển khai các phương án cơ cấu lại các TCTD phi ngân hàng đã phê duyệt được giám sát, trong đó, NHNN đã chỉ đạo tập trung chỉ đạo việc xử lý các TCTD phi ngân hàng có nhiều tồn tại trong hoạt động. Điểm đáng chú ý, một số TCTD phi ngân hàng thuộc sở hữu của các Tập đoàn, Tổng công ty đang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại theo chỉ đạo của Chính phủ.
NHNN thông tin, trên cơ sở phân tích thực trạng về tình hình thực hiện và bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống các TCTD nói riêng, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án 1058 và đề xuất xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.
“Đồng thời, NHNN đã hoàn thiện Báo cáo Chính phủ về đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm trên cơ sở thực tiễn áp dụng các quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Hiện nay, NHNN đang xây dựng báo cáo đánh giá tác động đề xuất xây dựng Luật để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD”, Báo cáo của NHNN cho biết.