Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Tích lũy niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn là câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong tuần qua. Thách thức là rất lớn khi độ phức tạp của đợt dịch thứ 4 này chưa lường được hết.

Ở những đợt dịch trước đây, mức độ thiệt hại và ảnh hưởng nhỏ hơn, nhưng khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vẫn cho thấy bức tranh khá xám màu.

Trong 10.200 doanh nghiệp được khảo sát trên toàn quốc, có đến 87,2% đơn vị cho biết sẽ chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”.

Kết quả khảo sát 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng ghi nhận đến 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Khoảng 22% còn lại cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, làm giảm sút dòng tiền và nhân công…, mà còn gây ảnh hưởng gián đoạn chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là những nạn nhân chính của dịch bệnh.

Nhưng không còn cách nào khác, doanh nghiệp và nhà đầu tư đều phải làm quen với bối cảnh thị trường mới.

Người ta chia sẻ nhau những cách thức để vượt qua khó khăn từ đại dịch, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cả những giải pháp, kiến nghị chính sách để có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử này.

Đó là ngân hàng giảm lãi suất, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nới room tín dụng, người lao động yếu thế, mất việc được nhận trợ cấp nhanh và trực tiếp, đề xuất cho doanh nghiệp được tiếp tục giãn hoãn một số loại thuế…

Lịch sử các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, người lao động trong các doanh nghiệp qua khó khăn càng thêm nỗ lực và đoàn kết hơn. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng về những chính sách “trợ thở” mới. Với niềm tin và sự nỗ lực ấy, kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm có điểm sáng trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chỉ số VN-Index tuần qua có những phiên tăng giảm đan xen. Yếu tố giúp giảm bớt lo lắng cho nhà đầu tư là trong những phiên thị trường giảm điểm mạnh vẫn có lực cầu lớn từ khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức.

Còn những phiên tăng điểm lại đi kèm với thanh khoản xuống thấp có thể là dấu hiệu cho một giai đoạn tích luỹ, tạo nền tảng của thị trường và tích lũy niềm tin của nhà đầu tư vào sự bứt lên của doanh nghiệp và nền kinh tế khi gặp những khúc cua gập ghềnh.

Lực cầu bắt đáy chỉ chấp nhận vùng giá thấp là điều dễ hiểu khi tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi nhiều yếu tố, từ lo lắng do dịch bệnh, sự thua lỗ khi thị trường đảo chiều…

“Vùng quá bán” là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán cắt nghĩa rõ hơn trong số này. Lực cầu yếu với một thị trường tiếp tục trạng thái đi ngang đang cần những thông tin đa dạng về hoạt động của các doanh nghiệp cũng như các giải pháp mà họ đang gồng gánh để trụ vững trong những ngày gian khó.

Tin bài liên quan