Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết phiên tòa xét xử tỉ phú Ngô Tiểu Huy - cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn bảo hiểm Anbang, đã diễn ra tại Thượng Hải trong cả ngày 28-3.
Như vậy phiên xét xử được mở ra đúng 5 tuần sau khi Ủy ban quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) thông báo sẽ tiếp quản tập đoàn bảo hiểm Anbang trong vòng một năm kể từ ngày 23-2.
Ngô Tiểu Huy là cháu rể của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, bị truy tố về tội gian lận trong huy động vốn và chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của tập đoàn.
Việc bắt giữ ông ta gây chấn động không ít ở Trung Quốc trong thời gian qua bởi tỉ phú họ Ngô được cho là thuộc dạng "tỉ phú đỏ" làm giàu nhờ các quan hệ thân cận với các lãnh đạo trong chính quyền.
Dù chỉ lấy cháu gái của ông Đặng nhưng nhiều người cho rằng cái ô đó cũng đủ để Ngô Tiểu Huy làm mưa làm gió mà không ai dám đụng chạm.
Việc hạ bệ tỉ phú Ngô, đưa ông ta vào chốn lao tù được xem là một trong những cú đấm thể hiện tính cương quyết của cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng và thúc đẩy thực thi quyết liệt.
Theo hãng tin Reuters, thông tin ban đầu cho biết trong suốt phiên xử ngày 28-3, tỉ phú họ Ngô đều một mực chối bỏ các cáo buộc dành cho mình với các tội danh là gian dối trong việc gọi vốn và chiếm đoạt vốn mưu lợi cá nhân với số tiền thiệt hại cho tập đoàn lên đến 65,25 tỉ nhân dân tệ (10,4 tỉ USD).
Cáo trạng xác định tỉ phú họ Ngô đã bòn rút nhiều tiền của tập đoàn chuyển cho các công ty con do ông ta kiểm soát để đầu tư ra nước ngoài, để trả nợ hoặc chi xài cá nhân.
Vào cuối tháng 1-2017, Anbang đã mở bán các sản phẩm bảo hiểm với mục đích đầu tư vượt quá số tiền được phép gọi vốn là 723,9 tỉ NDT (115 tỉ USD). Cáo trạng cũng chỉ ra rằng tỉ phú họ Ngô bị cáo buộc lợi dụng vị trí lãnh đạo cao nhất của mình để tiếp cận vốn của tập đoàn một cách bất hợp pháp.
Thế như trong thông cáo công bố sang nay (29-3), Toà án Nhân dân Trung cấp số 1 Thượng Hải cho biết bị cáo họ Ngô đã "thể hiện sự suy ngẫm sâu sắc, hiểu biết và hối tiếc về tội trạng mình đã phạm phải, và bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về các hành động của mình".
"Bị cáo đã cảm ơn hệ thống tư pháp đã giúp đỡ, giáo dục và chỉ bảo cho mình, và mong được xử nhẹ tội", bản thông cáo của tòa cho biết.
Bản thông cáo phát trên mạng cũng khẳng định Toà sẽ đưa ra phán quyết sắp tới nhưng ngày giờ chưa xác định.
Trụ sở tập đoàn bảo hiểm Anbang ở Bắc Kinh. Từ khi bị kiểm soát, tập đoàn vẫn hoạt động như một công ty bảo hiểm tư nhân nhưng chính quyền Bắc Kinh bơm tiền thêm vào để tái cơ cấu tập đoàn này - Ảnh: REUTERS
Lên nhanh như diều nhờ "quen biết lớn"
Khi mới thành lập vào năm 2004, Anbang chỉ là một công ty bảo hiểm tầm tầm. Nhưng sau đó, nhờ thân thế và các mối quan hệ chính trị, ông Ngô Tiểu Huy đã huy động được nhiều khoản vay giá rẻ từ ngân hàng cũng như các khoản vay trực tiếp từ các cá nhân với các cam kết trả lãi cao, để gầy dựng Anbang trở thành một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu Trung Quốc.
Trên trang web của tập đoàn ta thấy lời rao tập đoàn có số vốn lên đến gần 2.000 tỉ NDT, sử dụng hơn 30.000 nhân viên và phụ vụ cho 35 triệu khách hàng khắp thế giới.
Tiền nhiều khiến ông chủ của Anbang như thấy chiếc áo bị chật và lao vào cuộc chơi chấp nhận rủi ro cao. Cách đó có thể đã giúp tỉ phú Ngô thiết lập đế chế kinh doanh rộng lớn nhưng chính nó đã khiến ông "ngã ngựa".
Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Dealogic, từ năm 2009 đến 2017, Anbang đã chi khoảng 15 tỉ USD cho các thương vụ thâu tóm đình đàm ở nước ngoài, bao gồm các khách sạn nổi tiếng ở London (Anh), New York (Mỹ), Paris (Pháp) và Mexico cũng như các công ty bảo hiểm và tài chính ở Hàn Quốc và Hà Lan.
Nó nằm trong trào lưu mua sắm tài sản nước ngoài của các công ty Trung Quốc khi thế giới có gia đoạn cạn kiệt nguồn vốn mới. Nguồn tiền từ Trung Quốc đã giúp giá bất động sản, các mỏ dầu, khách sạn... ở nhiều nơi trên thế giới tăng mạnh.
Có cảm giác trong không ít trường hợp, các tỉ phú Trung Quốc đã vung tay quá trán, mua nhiều tài sản với giá quá cao trong khi bản thân không thực sự đủ vốn.
Anbang là một đại diện điển hình trong nhóm các tập đoàn Trung Quốc vung tiền thâu tóm tài sản ở nước ngoài bao gồm các ông lớn như Dalian Wanda Group, Fosun International và HNA Group.
Chính vì nhiều thương vụ của Trung Quốc dựa vào nguồn tiền vay giá rẻ nên giới lãnh đạo ở Bắc Kinh ngày càng lo lắng về vấn đề nợ của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp Trung Quốc mạnh tay vay tiền để thúc đẩy tăng trưởng, khiến tổng nợ của nước này tăng đến mức 230% GDP, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngang ngửa với mức nợ của Mỹ.
Động thái tiếp quản Anbang và nhanh chóng xét xử "tỉ phú đỏ" Ngô Tiểu Huy là nhằm gửi thông điệp cho các tập đoàn lớn và các ngân hàng Trung Quốc thấy rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết liệt chấn chỉnh vấn đề "nghiện nợ" trong nền kinh tế Trung Quốc nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính.