“Thuyền trưởng” Nam Long:  Muốn phát triển phải nhìn dài hạn

“Thuyền trưởng” Nam Long: Muốn phát triển phải nhìn dài hạn

(ĐTCK) “Muốn lướt qua được sóng cả thị trường, doanh nghiệp phải có một kế hoạch dài hạn xuyên suốt, phải thấu hiểu thị trường và nhu cầu của khách hàng".

Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Quang (ảnh), người sáng lập, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long chia sẻ với Đầu tư Bất động sản nhân dịp năm mới

Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thăng trầm. Theo ông, điều gì đã giúp Nam Long phát triển một cách vững chắc đến ngày hôm nay, với gia tài đáng nể là số vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng và những dự án thành công?

Thị trường bất động sản lên, xuống theo chu kỳ 3 hoặc 5 năm. Muốn lướt qua được thị trường, doanh nghiệp phải có một kế hoạch xuyên suốt vài ba chu kỳ, phải thấu hiểu thị trường thông qua công tác nghiên cứu, phát triển và phải thấu hiểu nhu cầu của khách hàng.

Với bất động sản, doanh nghiệp phải đáp ứng khách hàng ở các yếu tố như phù hợp nhu cầu ở, năng lực tài chính, cũng như văn hóa của người Việt Nam là thích phong thủy và gia đình nhiều thế hệ…

Sau khi thấu hiểu được khách hàng, thị trường, doanh nghiệp phải tạo được sự khác biệt, nghiên cứu mô hình của các nước có nền kinh tế tương tự hay nền văn hóa tương đồng với Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm. Thị trường bất động sản Việt Nam hiện có những nét tương đồng với thị trường bất động sản Trung Quốc và Singapore cách đây 10 năm hay 30 năm. Vì vậy, học hỏi các thị trường đi trước, nắm được quy luật vận động thị trường thì sẽ thành công.

 

Vậy sự khác biệt hay lợi thế cạnh tranh của Nam Long là gì, thưa ông?

Lợi thế của Nam Long là luôn có kế hoạch lâu dài. Chúng tôi đã hoạch định tầm nhìn năm 2020. Còn về kế hoạch 5 năm, chúng tôi sẽ tập trung phát triển dòng sản phẩm Ehome. Đây là dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu và khả năng tài chính của người dân TP. HCM, cũng như các khu vực lân cận. Kế hoạch này được xây dựng cụ thể, chi tiết trong từng dự án về số lượng căn hộ, tiến độ xây dựng, khả năng tiêu thụ sản phẩm… Do đây là sản phẩm vừa túi tiền, nên tăng trưởng sẽ theo cấp số cộng chứ không chỉ bình thường 10 - 20%/năm.

Vấn đề nhà ở của Việt Nam vẫn chưa qua giai đoạn ăn no mặc ấm, nên chưa thể tính đến chuyện ăn ngon mặc đẹp. Bên cạnh sản phẩm Ehome, chúng tôi vẫn đang chuẩn bị phát triển khu đô thị mới, dự án cho tương lai khi nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

 

Làm việc trong ngành bất động sản, triết lý kinh doanh của ông là gì?

Đối với khách hàng, tôi tâm niệm mình phải làm ra sản phẩm tốt, dịch vụ tốt để thị trường chấp nhận. Đối với các đối tác như nhà thầu, tư vấn, ngân hàng…, Nam Long hợp tác trên cơ sở tận dụng thế mạnh của đối tác theo nguyên tắc win-win, đôi bên cùng có lợi. Thậm chí, trong quan điểm hợp tác của Nam Long, ngay từ đầu, chúng tôi bao giờ cũng nhường đối tác một chút để đạt được mục tiêu chung lớn hơn. Với nhân viên trong bộ máy của Nam Long là cùng phát triển, cùng hợp tác thành công và cùng chia sẻ.

 

Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn về tài chính ở giai đoạn này. Nam Long thì sao, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, Nam Long chỉ khác với công ty khác là có kế hoạch phát triển lâu dài. Khi người ta đang lo xây nhà cao cấp, thì Nam Long đã nghiên cứu và đánh giá thị trường cần nhà vừa túi tiền. Dù nền kinh tế còn khó khăn, nhưng nhu cầu về nhà ở thật luôn có và còn phát triển 10 - 20 năm nữa. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, khi lãi suất quá cao, khách hàng mua nhà sẽ bị ảnh hưởng, bởi phần lớn họ đều đi vay tiền để mua nhà. Để gỡ khó và hỗ trợ khách hàng, Nam Long đưa ra sản phẩm vừa năng lực của người mua nhà, giúp người mua không phải vay quá nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với nhiều ngân hàng để tài trợ vốn cho khách hàng trong thời gian dài, có nhiều giải pháp thanh toán cho khách hàng lựa chọn.

“Thuyền trưởng” Nam Long:  Muốn phát triển phải nhìn dài hạn ảnh 1

Phối cảnh Dự án Ehome của Nam Long

Trước đó, Công ty đã có quyết sách đúng đắn là phát triển quỹ đất bằng vốn tự có, chỉ sử dụng vốn vay cho đầu tư dự án để bán sản phẩm, tạo dòng tiền và chủ trương hợp tác với các đối tác để chia sẻ thành công, cũng như phân tán bớt rủi ro.

 

Theo ông, giá nhà chung cư có thể giảm nữa như mong đợi của nhiều người hay không?

Hiện tại, giá bán các sản phẩm của chúng tôi là 12 - 14 triệu đồng/m2, thấp hơn giá nhà tái định cư cho người dân Thủ Thiêm của TP. HCM. Như vậy, có thể khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được nhà giá hợp lý. Chúng tôi mất rất nhiều thời gian nghiên cứu chương trình nhà ở của Thái Lan , Singapore và Úc để có giải pháp thi công giá rẻ nhất. Yếu tố tác động đến giá căn hộ ngoài yếu tố cung cầu, thì phần chính là do giá thành xây dựng và giá đền bù, tiền sử dụng đất. Trong khi doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức để hạ giá thành xây dựng, thì việc giá căn hộ có giảm được nữa hay không bây giờ lại phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước.

Ông có lo ngại việc hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản nếu khó khăn của thị trường bất động sản còn kéo dài?

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã ra đi, nhà đầu tư trong nước thì ngán ngẩm. Tuy nhiên, theo tôi, thị trường có nguyên tắc đào thải, có tăng, có giảm, nên tôi không lo ngại. Cái tôi lo ngại là chính sách thị trường bất động sản chưa hợp lý, thiếu ổn định và các thông tin truyền thông không chính xác, thiếu khách quan khiến thị trường khủng hoảng. Theo tôi, nếu có nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường, thì trong tương lai, khi thị trường phục hồi trở lại, lại tạo ra khủng hoảng do thiếu nguồn cung. Thị trường sẽ cứ nóng rồi lại lạnh và sẽ ấm lên, chứ không có một thị trường nào hoàn hảo. Trên hết, theo tôi, cần có thông điệp tích cực từ phía Chính phủ rằng sẽ tạo điều kiện cho thị trường phát triển để thị trường có niềm tin.

 

Trong điều kiện thị trường khó khăn như vậy, vì sao Nam Long vẫn quyết định niêm yết?

Niêm yết là một mục tiêu trong quá trình phát triển của Nam Long, từ một công ty tư nhân thành công ty cổ phần, phát triển thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu là đương nhiên. Nam Long niêm yết không phải để bán cổ phần hay bán công ty, mà trước tiên là để minh bạch và các chuẩn mực quốc tế về quản trị được thực thi. Qua đó, các đối tác trong và ngoài nước sẽ tin tưởng hơn để hợp tác trong quá trình phát triển lâu dài của Nam Long.

Có lần tôi làm việc với giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài, ông này rất ngạc nhiên khi biết tôi dành quá nhiều quỹ thời gian cho công việc. Ông ấy bày tỏ rằng: “Tôi không nghĩ là một nhà phát triển bất động sản lại làm nhiều như thế!”. Như vậy, có nghĩa là tôi và Nam Long còn phải thay đổi nhiều để hướng tới chuẩn mực.