Thủy điện mới trồng lại được 6,3% diện tích rừng trồng bù

Thủy điện mới trồng lại được 6,3% diện tích rừng trồng bù

Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước mới thực hiện trồng rừng thay thế được 1.248,92 ha trong tổng số diện tích phải trồng bù rừng là 19.792 ha (đạt 6,3%).

Với vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng, theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, các nhà máy thủy điện phải chi trả dịch vụ môi trường rừng để góp phần bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện, với mức chi trả 20 đồng/kWh điện thương phẩm và việc chi trả thực hiện ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Đến nay, cả nước có 38 tỉnh, thành phố lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, trong đó có 36 tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và 30 quỹ đã từng bước ổn định tổ chức đi vào hoạt động.

Liên quan vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị nâng mức chi trả này lên 30 - 40 đồng/kWh để bà con ở miền núi yên tâm giữ rừng, tạo điều kiện cho việc đảm bảo nước hồ thủy điện, cấp nhiều điện cho miền xuôi.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động ký kết với các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (các nhà máy thủy điện, cung ứng nước sạch và du lịch có sử dụng môi trường rừng) được 281 hợp đồng (thời điểm ngày 30/3/2014), với số tiền dịch vụ môi trường rừng đã thu được của năm 2011 và 2012 là 1.172 tỷ đồng, năm 2013 đạt 1.068 tỷ đồng, kế hoạch năm 2014 thu 1.150 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn tỉnh có quy hoạch 83 công trình thủy điện vừa và nhỏ, qua khảo sát đã đề nghị loại bỏ 46 dự án vì thấy không hiệu quả, liên quan đến việc lấy nhiều đất rừng trồng. Trong số còn lại, có 10 dự án đã hoạt động, 10 dự án đang triển khai thi công, 9 dự án có chủ trương đầu tư và 8 dự án đang tiếp tục rà soát xem hiệu quả ra sao.

Theo ông Tiến, quan điểm của tỉnh là nếu dự án tác động đến đất rừng, không có hiệu quả thì kiên quyết loại bỏ, trừ những dự án ở vùng quá sâu và quá xa.

Theo ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cả nước hiện có 284 công trình thủy điện, với tổng công suất lắp máy 14.698 MW đang vận hành phát điện; 204 dự án (6.146,56 MW) đang thi công xây dựng, dự kiến từ nay đến năm 2017 sẽ vận hành phát điện; 250 dự án (3.049,20 MW) đang nghiên cứu đầu tư. Còn lại 78 dự án (800,58 MW) chưa nghiên cứu đầu tư, chưa có nhà đầu tư đăng ký, chủ yếu có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan.

Bộ Công thương cũng cho hay, theo báo cáo của UBND các tỉnh, hầu hết chủ đầu tư các dự án phải lập và thực hiện phương án trồng rừng thay thế theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ chưa thực hiện hoặc đang lập phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là chủ đầu tư dự án chưa được hướng dẫn việc lập phương án, do quỹ đất của địa phương hạn chế hoặc đã có chủ trương, nhưng còn lúng túng giữa trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong việc bố trí đất thực hiện trồng rừng về loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ; về đơn giá trồng rừng (với trường hợp chủ đầu tư không trực tiếp trồng rừng thay thế).

Tin bài liên quan