Việc thành lập Thành phố Thủ Đức được coi là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM.
Trong phiên họp thứ 51, dự kiến diễn ra từ ngày 9-11/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM.
Đây là vấn đề đã được đề cập tại kỳ họp thứ 10, khi Quốc hội thông qua nghị quyết Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và có ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thành phố là không hợp lý vì trên thực tế chưa có đơn vị hành chính này.
Khi đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở quy định về “đơn vị hành chính tương đương” với quận, huyện, thị xã tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cụ thể hóa tên gọi của đơn vị này là “thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương”. Mặc dù khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa có thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nào được thành lập, nhưng để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức chính quyền địa phương ở loại đơn vị hành chính này, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Và thời điểm Quốc hội thông qua nghị quyết nói trên (giữa tháng 11/2020), Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. HCM đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập thì Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố là cần thiết và phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải thích, Nghị quyết quy định tại thành phố thuộc Thành phố vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND như Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng do ở các phường thuộc thành phố này không tổ chức HĐND nên trong Nghị quyết của Quốc hội phải bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND thành phố thuộc Thành phố, tương tự như đối với HĐND, UBND TPHCM.
Nghị quyết cũng đã bổ sung quy định giao Chính phủ quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố thuộc Thành phố.
Ngoài thành phố Thủ Đức, trong phiên họp 51, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, quyết định việc thành lập: Thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổng kết kỳ họp thứ 10 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 của Quốc hội. Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2020; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Quốc hội cũng nằm trong chương trình dự kiến.
Việc chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi và xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự.
Ngoài ra, Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có việc cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được xem xét, thông qua gồm: Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung (hướng dẫn khoản 5 Điều 45, khoản 4 Điều 52, khoản 6 Điều 54 và khoản 2 Điều 92 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân); Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (hướng dẫn khoản 3 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân).