Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi từ cơ chế, chính sách và thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam đang gặp nhiều thuận lợi từ cơ chế, chính sách và thị trường

Xuất khẩu tôm: Tham vọng cán đích 4,8 tỷ USD

(ĐTCK) Ngành thủy sản phấn đấu năm 2018 xuất khẩu 10 tỷ USD, trong đó riêng con tôm đóng góp 4,8 tỷ USD. Ngay trong quý đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã báo cáo những kết quả khả quan, nhờ được hưởng lợi từ thị trường và chiến lược cạnh tranh bằng các sản phẩm giá trị gia tăng cao.Nâng cao khả năng cạnh tranh.

Năm 2017, con tôm Việt Nam mang về hơn 3,85 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng trưởng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, đóng góp chủ lực là tôm chân trắng với 2,5 tỷ USD, còn lại là tôm sú.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ba tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 700 triệu USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Đây là bước khởi đầu đáng mừng cho ngành thủy sản trong năm 2018.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) – doanh nghiệp có quy mô xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam cho biết, con tôm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đang chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước Ấn Độ, Indonesia.

Sản phẩm của các nước này thường rẻ hơn 10% so với tôm Việt Nam. Tuy nhiên, để vượt qua đối thủ, chiến lược của Minh Phú là không cạnh tranh về giá bán, mà cạnh tranh về chất lượng sản phẩm.

“Chúng tôi đi vào thị trường sản xuất sản phẩm chuyên sâu. Còn họ đi vào thị trường truyền thống, nơi có các sản phẩm dễ làm, nhưng đồng nghĩa với việc cạnh tranh khốc liệt hơn”, ông Điệp nhấn mạnh và cho biết, cách làm này đã giúp sản phẩm tôm của Minh Phú trụ vững trên nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc…

Lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm chuyên sâu của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng thể hiện trên số liệu sản phẩm tôm chân trắng (trong đó có khoảng 50% là các mặt hàng giá trị gia tăng) đạt giá trị xuất khẩu tới 2,5 tỷ USD, cao gấp 3 lần giá trị xuất khẩu tôm sú.

Hàm lượng gia tăng giá trị từ nguyên liệu, sản phẩm đồng thời đánh dấu khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở cấp độ quốc tế, đánh dấu thương hiệu có nguồn cung cấp tốt. Theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2018, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,8 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều thuận lợi từ thị trường

Ngành tôm đang hưởng lợi từ nhiều phía. Ở trong nước, ngành tôm đang nhận được sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách. Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã Chính phủ được phê duyệt, theo đó, phấn đấu chủ động sản xuất 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, là giống sạch bệnh đang tháo gỡ khó khăn về vấn đề giống cho các doanh nghiệp trong ngành. Bộ Nông nghiệp và các cơ quan quản lý ngày càng sát sao hơn trong việc tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp trong thủ tục xuất khẩu, tạo điều kiện xuất khẩu.

“Ngành tôm đang có nhiều thuận lợi khi được Chính phủ quan tâm hơn, được mở vùng nuôi, giải quyết bài toán về nguyên liệu”, lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản thuộc Top 5 trên thị trường cho hay.

Về thị trường xuất khẩu, theo VASEP, kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục mạnh, đặc biệt tại các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc, là cơ sở để dự báo nhu cầu thủy sản tại các thị trường này tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Bên cạnh đó, một loạt hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương đã được ký kết sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Năm 2017, EU dẫn đầu thị trường nhập khẩu tôm từ Việt Nam, đạt 1,48 tỷ USD, đứng thứ hai là Mỹ đạt 1,41 tỷ USD, Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, Trung Quốc đạt 1,2 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 0,78 tỷ USD. VASEP cho biết, tới đây, tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể sẽ gia tăng mạnh. Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang là yếu tố tích cực hỗ trợ xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hàn Quốc, nhất là mặt hàng tôm tận dụng được lợi thế về thuế quan.

Thêm một yếu tố thuận lợi là các nước xuất khẩu khác đang gặp khó khăn về sản xuất và thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tôm Ấn Độ đang phải chịu tần suất kiểm tra 50% với các lô tôm xuất sang EU và có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào khu vực này.

Với bối cảnh nhiều thuận lợi, Minh Phú cho biết đặt mục tiêu xuất khẩu tôm năm 2018 đạt 800 triệu USD, tổng doanh thu doanh nghiệp đạt 18.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 990 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 40%.

“Kết quả xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận trong quý I tăng trưởng cao, dù đây không phải là mùa kinh doanh tốt của năm. Bên cạnh đó, thị trường đang tương đối ổn định. Với đà này, chúng tôi sẽ về đích sớm các chỉ tiêu kinh doanh 2018”, ông Điệp chia sẻ.

Tin bài liên quan