Xuất khẩu thủy sản 2018: Triển vọng đạt kỷ lục mới

Xuất khẩu thủy sản 2018: Triển vọng đạt kỷ lục mới

Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ thuận lợi, sự phát triển nhanh chóng trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến là những căn cứ để tin tưởng ngành thủy sản không chỉ hoàn thành kế hoạch xuất khẩu, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nên cột mốc mới trong năm 2018.

Các thị trường tăng mạnh

Năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn như thiên tai; các rào cản như thuế CBPG tôm, cá tra ở mức cao, chương trình thanh tra cá da trơn, cảnh báo thẻ vàng IUU của EU, việc tăng cường kiểm dịch sản phẩm từ các thị trường hay thậm chí là sự bôi nhọ của truyền thông và áp lực cạnh tranh từ các nước khác… nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được cho là vượt xa mong đợi của cả cơ quan quản lý và chính các doanh nghiệp xuất khẩu, cán mốc hơn 8,3 tỷ USD, tăng 18,7% so với 2016.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đạt được giá trị xuất khẩu kỷ lục (kế hoạch trên 7 tỷ USD) là do các sản phẩm chủ lực đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là mặt hàng tôm khi có mức tăng tới 21%, kim ngạch đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm tỉ trọng 46% toàn ngành.

Trong số 167 thị trường xuất khẩu, hầu hết các thị trường lớn có mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, EU có mức tăng hơn 21%, vượt qua Mỹ chiếm vị trí đầu danh sách nhập khẩu thủy sản của Việt Nam về giá trị. Tại thị trường Trung Quốc, dù chỉ đứng thứ 4 về kim ngạch nhưng đây là thị trường có mức tăng cao nhất, xấp xỉ 49%. Trong khi đó, do mức thuế CBPG tăng cao, thị trường Mỹ năm 2017 đánh dấu sự sụt giảm ở mức âm 2,9%.

Đáng chú ý, mặt hàng cá tra, do trở ngại thuế CBPG tăng đột biến và chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ, truyền thông tiêu cực về cá tra Việt Nam tại thị trường EU đã khiến giá trị xuất khẩu vào hai thị trường chủ lực này giảm mạnh (thị trường EU giảm gần 23% và Mỹ giảm gần 11%). Tuy nhiên, nhờ các thị trường như Brazil, Mexico, Trung Quốc tăng mạnh nên kết thúc năm 2017, xuất khẩu cá tra cũng đạt con số 1,8 tỷ USD, tăng 4%.

Năm 2018: Đơn hàng nhiều, năng lực sản xuất dồi dào

Bình luận về kết quả xuất khẩu được cho là ngoạn mục trong năm 2017, cả phía người trực tiếp sản xuất cho đến đại diện cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng đều chung nhận định một phần do thị trường đang trong giai đoạn ấm lên, nhưng sự cải thiện trong năng lực đánh bắt, nuôi trồng, khâu tổ chức chế biến, sự linh hoạt của các doanh nghiệp xuất khẩu là mới nguyên nhân chính.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đơn vị dẫn đầu ngành với kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2017, đạt gần 630 triệu USD tin tưởng, xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung đang hội tụ rất nhiều thuận lợi để có thể tiếp tục tăng trưởng bứt phá trong năm 2018.

Cụ thể, về nguyên liệu cho sản xuất, với công nghệ nuôi mới, năng suất đạt cao, lợi nhuận của người nuôi hiện ở mức trên 50% và điều này đang là động lực khuyến khích người nuôi đẩy mạnh đầu tư. Với nguồn nguyên liệu rồi dào, giá đầu vào cho doanh nghiệp chế biến sẽ giảm dần, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam.

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú cũng cho hay, kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2018 của công ty vào khoảng 30%, kim ngạch dự kiến gần 1 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch 2,5 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, con số 10 tỷ USD mà Thủ tướng đặt ra cho riêng ngành tôm là khả thi.

Về thị trường, Chủ tịch Thông Thuận Seafood, ông Trương Hữu Thông cho rằng, chính những chỉ số kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lãi suất ổn định và bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có sự tăng trưởng tốt là những yếu tố giúp đầu ra thuận lợi cho ngành thủy sản.

Với riêng Thông Thuận Seafood (Tốp 10 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, năm 2017 xuất khẩu hơn 70 triệu USD), ông Thông chia sẻ ngay trong những ngày đầu năm 2018, số đơn hàng gửi đến nhiều hơn mọi năm. Cùng với việc người nuôi đang có lãi cao, sản lượng tôm nguyên liệu tăng nhanh là những căn cứ để tin kế hoach xuất khẩu của ngành thủy sản sẽ hoàn thành và có thể cán mốc 9 tỷ USD.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, theo kế hoạch xuất khẩu thủy sản cần đạt 8,5 tỷ USD trong năm 2018 nhưng ngay trong những ngày đầu tháng 1, con số xuất khẩu ước có thể đạt trên 500 triệu USD. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp và người nuôi, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến thì không chỉ hoàn thành kế hoạch mà ngành thủy sản còn được kỳ vọng sẽ tạo nên cột mốc mới.

Tiếp tục cải cách để khai thác hết tiềm năng

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo, mặc dù đang có những lợi thế nhưng năm 2018, ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, không thể chủ quan.

Trong đó, diễn biến thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục khó lường và khốc liệt; những vấn đề từ chính khâu nuôi, chế biến như dư lượng kháng sinh, tạp chất trong sản phẩm; cùng với việc các thị trường xuất khẩu vẫn còn đó những rủi ro về thuế, các chương trình thanh tra, vấn đề thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp... Do đó, để phát triển, ngành thủy sản cần phải đi theo hướng bền vững, hướng sản xuất lớn, có truy xuất nguồn gốc.

Ở góc độ người sản xuất, khẳng định dư địa tăng trưởng của ngành thủy sản còn rất lớn nhưng theo ông Lê Văn Quang, để biến thành những kết quả, thành những con số giá trị xuất khẩu đòi hỏi các bộ, ngành phải tiếp tục cải cách, phải tiếp tục cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết.

Thừa nhận năm vừa qua, khá nhiều giấy phép con thuộc ngành nông nghiệp được cắt bỏ, tuy nhiên, ông Quang cho biết hiện vẫn còn những giấy phép không cần thiết cho công tác quản lý Nhà nước, nhưng lại gây cản trở rất lớn cho doanh nghiệp nếu được cắt bỏ sớm thì mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD của ngành tôm còn có thể đến trước năm 2025.

Trong kiến nghị gửi đến Bộ NN&PTNT và một số bộ, ngành liên quan, VASEP tiếp tục nhấn mạnh đến công tác quản lý lây nhiễm kháng sinh và tạp chất trong tôm xuất khẩu. VASEP cho rằng đây là 2 vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp sản xuất phải ra tăng kiểm soát chất lượng theo chuỗi, từ nguồn đến thành phẩm. Đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT thiết lập hoặc củng cố chương trình riêng về kiểm soát tôm tạp chất và kiểm soát kháng sinh.

Liên quan đến việc EU ra cảnh báo “thẻ vàng” với hải sản đánh bắt của Việt Nam, VASEP cho rằng cần phải thực hiện hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc và kiến nghị ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khai thác biển và chứng nhận hải sản khai thác, nhất là cho chuỗi cung ứng tôm để làm cơ sở cho hoạt động truy xuất nguồn gốc.

VASEP tiếp tục kiến nghị thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến số lần thanh kiểm tra của cơ quan Nhà nước. Bởi theo Hiệp hội này, thống kê ngay trong tháng 12 vừa qua, đa số các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải chịu từ 5 đến 8 cuộc thanh - kiểm tra trong năm 2017, chỉ một số cuộc kiểm tra được chấp thuận “không kiểm tra” sau khi doanh nghiệp có văn bản phản đối dựa trên Chỉ thị của Thủ tướng.

Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với các bộ liên quan về những vấn đề “nóng” của ngành hiện nay như lao động, bảo hiểm xã hội và môi trường.

Tin bài liên quan