Xuất khẩu sẽ phải đương đầu với xu hướng bảo hộ gia tăng trong nửa cuối năm

Xuất khẩu sẽ phải đương đầu với xu hướng bảo hộ gia tăng trong nửa cuối năm

(ĐTCK) Bộ Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. 

Trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Trong khi, nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng. Trước hết, về sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực xét trên các yếu tố như nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá.

Nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.

Theo chu kỳ, thông thường, xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.

Một yếu tố quan trọng là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019, đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Trong khi đó, đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Mặc dù vậy, Bộ Công thương cũng dự báo, xuất khẩu trong 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ.

Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ…)...

Trong bối cảnh này, việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan