Xuất khẩu gỗ vào Mỹ: Rủi ro phát sinh sau cơ hội

Xuất khẩu gỗ vào Mỹ: Rủi ro phát sinh sau cơ hội

(ĐTCK) Ngành gỗ được lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhưng rủi ro có thể gia tăng khi một số trường hợp gian lận thương mại bị phát hiện, gỗ Trung Quốc được gắn mác Việt Nam.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách từ Mỹ tìm đến doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ của Việt Nam ngày càng nhiều. Một số doanh nghiệp Mỹ đã chuyển từ việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc sang tìm hiểu, tiếp cận thông tin và làm việc với doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội đang nỗ lực gia tăng tiếp cận thị trường Mỹ.

Theo ông Hiệp, thị trường Mỹ đòi hỏi về tiêu chuẩn rất rõ ràng nên các doanh nghiệp phải hoàn thiện dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tận dụng tốt cơ hội này. Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, doanh nghiệp cần phải am hiểu văn hóa tiêu dùng.

Dự báo, tăng trưởng xuất khẩu gỗ năm 2019 sẽ duy trì ở mức hai con số, tập trung vào sản phẩm gỗ nguyên liệu, hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao.

Theo báo cáo thường niên xuất nhập khẩu gỗ năm 2018 do các hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends thực hiện, Mỹ là thị trường có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018 với 3,6 tỷ USD, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu vào ba thị trường lớn tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc (cùng 1,1 tỷ USD/thị trường), Hàn Quốc (0,78 tỷ USD).

Năm 2018, xuất khẩu gỗ dán, gỗ ghép từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ tăng 270% so với năm 2017. Báo cáo thường niên ngành gỗ cho biết, có bằng chứng cho thấy có sự gian lận thương mại, một số loại gỗ dán của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ dưới tên Việt Nam. Chẳng hạn, trường hợp Công ty VN Finewood đã có công bố của Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ ngày 20/11/2018. Hiện Chính phủ Mỹ đang tiến hành điều tra. Vụ việc có thể gây ra những tác động tiêu cực đến hình ảnh ngành gỗ Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia đến từ Tổ chức Forest Trends, chưa có bằng chứng rõ ràng rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại lợi ích lâu dài và bền vững cho ngành gỗ Việt Nam, trong khi nguy cơ hiện hữu là bị điều tra về gian lận thương mại, lẩn tránh thuế.

Ngành gỗ phải chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, đi theo sau là mức thuế suất nhập khẩu sẽ tăng lên và hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ hơn khi vào thị trường Mỹ.

Về chiến lược dài hạn, ông Phúc cho rằng, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi để đạt mục tiêu phát triển bền vững, chuyển dần từ sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu, mà cần đẩy mạnh tăng trưởng về chất lượng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi cung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển mẫu mã, xây dựng hình ảnh thương hiệu…

Ông Phan Thiên Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Triệu Phúc Lộc cho biết, doanh nghiệp gỗ đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung để tìm kiếm cơ hội và phòng tránh rủi ro. Bởi nếu căng thẳng leo thang, sẽ có một làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến Việt Nam thuê công xưởng, dựng nhà máy, gây áp lực lên doanh nghiệp nội địa và có thể phát sinh gian lận thương mại.

So sánh tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu, Việt Nam chiếm khoảng 6%, cho thấy cơ hội gia tăng thị phần ở mức cao. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ TP.HCM kiến nghị, Chính phủ nên có chương trình xúc tiến thương mại với thông điệp “Việt Nam là nhà máy sản xuất đồ gỗ cho thế giới bằng nguồn gỗ hợp pháp và bền vững”.

Theo đó, cơ quan xúc tiến thương mại phối hợp với các tham tán thương mại lo kiến tạo chương trình, mời đối tác tiềm năng, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam vừa ký hiệp định thương mại tự do. Các doanh nghiệp dẫn đầu có nhiều sản phẩm mới và tiềm năng xuất khẩu sẽ tự trang trải chi phí để tham gia quảng bá sản phẩm.

Tin bài liên quan