Xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ đạt hơn 600 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
Dù tháng 6/2020, xuất khẩu cao su đạt trị giá 130 triệu USD, tăng 44,5% so với tháng 5/2020, nhưng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm vẫn giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên, năm 2020, thế giới sẽ chỉ tiêu thụ 12,84 triệu tấn cao su, giảm so với dự báo 13 triệu tấn đưa ra hồi tháng 4.

Theo Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên, năm 2020, thế giới sẽ chỉ tiêu thụ 12,84 triệu tấn cao su, giảm so với dự báo 13 triệu tấn đưa ra hồi tháng 4.

Theo thông kế của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2020 đạt khoảng 110 nghìn tấn, trị giá 130 triệu USD, tăng 46,9% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với tháng 5/2020.

Trước đó, trong tháng 5/2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng tăng mạnh so với tháng liền kề trước khi đạt 74.870 tấn, trị giá 89,98 triệu USD, tăng 77,4% về lượng và tăng 67,7% về trị giá so với tháng 4/2020. Như vậy, đây là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cao su tăng trở lại trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Dù vậy, con số xuất khẩu của tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm 9,8% về lượng và giảm 25% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 1.182 USD/tấn. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 456 nghìn tấn, trị giá 606 triệu USD, giảm 25,7% về lượng và giảm 27,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019 xuống mức 1.330 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các chủng loại cao su đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cao su tổng hợp vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58,7% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 202,89 nghìn tấn, trị giá 274,19 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 98,6% tổng lượng cao su tổng hợp xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu các chủng loại cao su khác cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Latex, SVR 3L, SVR 10, SVR CV60, RSS3, SVR 20, RSS1, cao su tái sinh, cao su hỗn hợp...

Trong tháng 6/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước vẫn ở mức thấp, giá có xu hướng giảm. Ngày 30/6/2020 giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 256 đồng/độ TSC, giảm 9 đồng/độ TSC so với cuối tháng 5/2020; giá thu mua mủ tạp được giữ ở mức 222 đồng/độ TSC, giảm 8 đồng/độ TSC so với cuối tháng 5/2020.

Theo Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên, năm 2020, thế giới sẽ chỉ tiêu thụ 12,84 triệu tấn cao su, giảm so với dự báo 13 triệu tấn đưa ra hồi tháng 4. Nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới dự báo cũng sẽ giảm, chủ yếu do Ấn Độ và Indonesia. Dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ chuỗi cung ứng cao su rơi vào tình trạng xáo trộn. Mặc dù đại dịch khiến nhu cầu cao su thiên nhiên dùng trong sản xuất găng tay và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng lên, nhất là ở Malaysia và Thái Lan, song không đủ bù đắp cho nhu cầu giảm mạnh trong ngành sản xuất lốp xe.

Trong khi đó, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu được điều chỉnh giảm thêm 303.000 tấn, tức là thấp hơn 4,7% so với dự báo trước, xuống 13,13 triệu tấn trong năm 2020. Sản lượng cao su Indonesia dự báo sẽ giảm 12,6% xuống 2,9 triệu tấn trong năm 2020, trong khi sản lượng của Thái Lan sẽ giảm 0,9%.

Quý II/2020 là giai đoạn bắt đầu mùa thu hoạch cao su tại các nước Đông Nam Á, trong khi đó nhu cầu cao su tự nhiên từ các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu ở mức thấp và giá dầu thô giảm kỉ lục sẽ gây áp lực đối với giá cao su tự nhiên trong đó có Việt Nam.

Tin bài liên quan