Một số quy định về thủ tục hải quan chưa rõ ràng, 
hợp lý

Một số quy định về thủ tục hải quan chưa rõ ràng, hợp lý

Xuất hiện nhiều nút thắt cản trở dòng chảy kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Một loạt kiến nghị cũ được nhắc lại vì chưa được giải quyết, cùng với những điểm nghẽn mới gây trở ngại cho môi trường kinh doanh Việt Nam được đề cập… sẽ làm nóng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra vào ngày mai (1/12).

Luật mới nhưng theo qui trình xử lý cũ

Năm 2015 đánh dấu bước tiến lớn về cải cách thể chế khi một loạt bộ luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… được đưa vào thực thi. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, đã xuất hiện những vấn đề gây quan ngại và cần nhanh chóng được xử lý sớm. Trong đó, nổi lên vấn đề các quy định mới được áp dụng song bộ máy thực thi lại chưa có sự nắm bắt, cập nhật kịp thời, khiến quy trình cấp phép kéo dài, gây phiền hà cho các nhà đầu tư.

Một ví dụ được đưa ra là mặc dù theo luật mới, các cơ quan quản lý đầu tư và đăng ký doanh nghiệp tại địa phương được trao quyền chủ động giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan này vẫn tiến hành thủ tục xin ý kiến cơ quan cấp bộ về các dự án đầu tư, khiến cho thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký đầu tư bị kéo dài.

Cụ thể, một nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có trụ sở đăng ký tại quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại Việt Nam với quy mô vốn khoảng 100.000 USD để “cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các sản phẩm của tập đoàn”. Những dịch vụ mà NĐTNN đăng ký cung cấp hoàn toàn phù hợp với các cam kết gia nhập WTO và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Tăng lương tối thiểu tránh gây tâm lý so bì

 Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ: “Lương tối thiểu đã tăng 15,1% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát. Chúng tôi hiểu rằng Chính phủ hiện đang đặt ra mục tiêu tăng lương tối thiểu lên thành 4.000.000 VND vào năm 2018, nên đã đưa ra phương án điều chỉnh tăng hàng năm để đạt được mục tiêu đề ra. Chúng tôi không phản đối việc người dân sẽ hưởng một đời sống tốt đẹp hơn, vì đó cũng là một trong những yếu tố cần thiết để thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển, chúng tôi mong rằng mức tăng lương tối thiểu nên được tính toán dựa trên xem xét chính xác tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ GDP dự kiến. Ngoài ra, ở những doanh nghiệp đã trả cao hơn lương tối thiểu, người lao động thường so sánh mức tăng lương của mình với mức tăng lên của lương tối thiểu hay mức lương ở doanh nghiệp bên cạnh. Trong trường hợp mức tăng lương của họ ít hơn, tranh chấp lao động có thể phát sinh. Cần phải đưa ra định nghĩa thống nhất về tiền lương trong Luật Lao động để có thể tuyên truyền rộng rãi, giúp người lao động có thể hiểu một cách dễ dàng và phổ cập hơn về lương tối thiểu”.

NĐTNN đã nộp hồ sơ đầy đủ vào tháng 5/2015 cho sở kế hoạch đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư 2005, dự án đầu tư này không thuộc trường hợp phải thẩm tra. Tuy nhiên, sở kế hoạch và đầu tư lại có công văn xin ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương về dự án này, dẫn đến việc cho đến ngày Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (tức là gần 2 tháng sau ngày nộp hồ sơ), hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn chưa được giải quyết.

Sau rất nhiều thủ tục, đến đầu tháng 9/2015, NĐTNN mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư sau đó, đến đầu tháng 10/2015 mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy, chỉ với việc thành lập một doanh nghiệp có phạm vi ngành nghề đăng ký đơn giản và vốn điều lệ khoảng 100.000 USD, NĐTNN này đã phải tốn gần 5 tháng với rất nhiều yêu cầu về giấy tờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh của NĐTNN này trên phạm vi khu vực (kéo theo sự chậm trễ trong các hoạt động M&A).

Liên quan đến việc thực thi các luật mới, Nhóm Đất đai phản ánh, Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ tháng 7/2015 nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn thi hành. Do đó, rất nhiều quy định mới của Luật chưa thể thực hiện được do thiếu các quy trình thủ tục chi tiết hướng dẫn thi hành. Việc chậm trễ này gây ra nhiều sự nhầm lẫn và không chắc chắn cho nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà ở.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại bị than phiền về việc quá “tốc độ“ khi ban hành thời gian thực thi các quy định mới. Đơn cử, Thông tư 15/2015/TT-NHNN ban hành vào ngày 2/10/2015, có hiệu lực vào ngày 5/10/2015 và Quyết định 1938/QĐ-NHNN ban hành ngày 25/9/2015, có hiệu lực vào ngày 28/9/2015. Việc triển khai thực hiện quy định pháp luật mới đòi hỏi các ngân hàng phải sửa đổi, hoàn thiện quy trình - sản phẩm, tiến hành đào tạo nhân viên, thông báo tới khách hàng về các thay đổi.  Các bước tuân thủ này đòi hỏi thời gian hợp lý để triển khai. Bởi vậy, các nhà đầu tư đề nghị thời hạn thi hành quy định pháp luật nên tối thiểu là 45 ngày. 

Thuế, hải quan thiếu tính phối hợp

Các nhà đầu tư phản ánh, việc luân chuyển chứng từ nộp thuế giữa ngân hàng, kho bạc và cơ quan hải quan không tốt, gây phiền hà cho doanh nghiệp trong việc chứng minh đã nộp thuế cho tờ khai đã mở. Sự phối hợp về thời gian làm việc giữa cơ quan hải quan và ngân hàng chưa kịp thời, hàng đã làm thủ tục nhưng không thể nộp thuế để thông quan do ngân hàng hết giờ làm việc hoặc nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, nghỉ tết.

Các cơ quan thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin với nhau, kế thừa thông tin của nhau khiến doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, chứng từ nhiều lần, cho nhiều cơ quan. Chẳng hạn, thủ tục hải quan điện tử đã giảm bớt số lượng giấy tờ, thủ tục không cần thiết nhưng chưa đồng bộ với các cơ quan có liên quan như ngân hàng và các cơ quan thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan thuế vẫn yêu cầu.

Bên cạnh đó, một số quy định về thủ tục hải quan chưa rõ ràng và hợp lý như thủ tục hủy tờ khai, sửa tờ khai, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ; việc phân tích, phân loại hàng hóa có thời gian phân tích mẫu quá dài, lấy quá nhiều mẫu; quy định về thời gian tạm nhập tái xuất phương tiện quay vòng; thời hạn nộp kết quả kiểm tra chất lượng chưa phù hợp với mặt hàng máy móc, thiết bị nặng, lô hàng lớn...

Không chỉ trong lĩnh vực thuế, hải quan, tại Diễn đàn này, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được các nhà đầu tư đưa ra như một ví dụ điển hình cho sự phức tạp và mất nhiều thời gian. Chẳng hạn như trường hợp khách hàng không hợp tác với ngân hàng (trong hầu hết các trường hợp nợ xấu), ngân hàng phải khởi kiện khách hàng ra tòa án và mất từ 1 đến 2 năm để nhận bản án/quyết định của tòa. Sau khi nhận được bản án/quyết định hòa giải, ngân hàng phải nộp đơn yêu cầu thi hành án và phải mất từ 2 đến 3 năm để bán đấu giá xong tài sản đảm bảo. Quá trình xử lý kéo dài, theo các nhà đầu tư, đã làm tăng chi phí xử lý nợ xấu và giảm giá trị của tài sản đảm bảo, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của quá trình thu hồi nợ.      

Tin bài liên quan