Xu hướng cạnh tranh trong thời đại mới

Xu hướng cạnh tranh trong thời đại mới

(ĐTCK) Thành công trong quá khứ và hiện tại không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai, nếu doanh nghiệp không chú trọng phát triển trên các nền tảng vững chắc. Thị trường tài chính đang đánh giá ngày càng cao những doanh nghiệp coi trọng sự minh bạch, quản trị công ty và phát triển bền vững. Giới chuyên gia chia sẻ về vấn đề này. 

"Vượt qua văn hóa cũ, hướng tới những điểm mới"

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Cách đây trên 15 năm, HSBC đưa ra ấn phẩm hỗ trợ VNM về quản trị công ty. Hiện nay, VNM rất thành công trong hoạt động và quản trị công ty.

Quản trị công ty tại Việt Nam yếu do nguyên nhân nhận thức là chủ yếu. Có nhiều doanh nghiệp sau 5 - 6 năm biến mất do quản trị kém, có những ngân hàng tốt nhưng sau đó thuộc diện phải tái cơ cấu vì các ông chủ không quan tâm đến lợi ích các bên liên quan, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình nên dẫn đến xung đột lợi ích, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, cổ đông và sự lành mạnh của xã hội.

 Ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng, hoàn thiện bộ quy tắc quản trị công ty, cuối năm nay sẽ ban hành. Cơ quan quản lý mong muốn áp dụng, xây dựng chính sách thực hiện để nâng cao giá trị công ty, niềm tin của cổ đông, làm sao doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, từ đó giá trị công ty tăng trưởng, khả năng tiếp cận vốn nhiều hơn. Chúng tôi mong muốn các chủ doanh nghiệp hiểu được, nhận thức được vấn đề này.

Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đang trình dự thảo Luật Chứng khoán mới, với một chương riêng về quản trị công ty. Đây là những quy định có tính nguyên tắc để có cơ sở pháp lý thúc đẩy quản trị công ty.

Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Chính phủ có nhấn mạnh đến tăng cường quản trị công ty trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Điều này cho thấy, Chính phủ mong muốn tăng cường quản trị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần dũng cảm vượt qua văn hóa cũ, hướng tới những điểm mới, quan tâm tới các bên liên quan để quản trị và phát triển tốt hơn.

"Môi trường sống xanh hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn"

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, HEINEKEN Việt Nam 

Chiến dịch chọn sống xanh của chúng tôi được hình thành từ ý tưởng mô phỏng các hiện trạng xã hội qua hai lựa chọn: màu xám và màu xanh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng để có một tương lai tốt đẹp hơn.

Ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao, HEINEKEN Việt Nam 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải đảm bảo rằng, tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với hy sinh lợi ích về môi trường và con người. Hiện Việt Nam vẫn còn hơn 1 triệu người thất nghiệp, 30% trong số đó là sinh viên mới ra trường.

Một vấn đề khác là có đến 37% người Việt Nam cho rằng, việc lái xe sau khi uống rượu bia là một hành vi có thể chấp nhận được trong văn hóa Việt Nam. Không kém phần nghiêm trọng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, với lựa chọn màu xanh, chúng ta có thể hỗ trợ tạo thêm việc làm, xây dựng văn hóa uống rượu bia an toàn và có chừng mực. Và hơn cả, chúng ta có thể bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp quanh ta, để có một môi trường sống xanh hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người

Chiến lược phát triển bền vững của Heineiken Việt Nam đã được Công ty thực hiện và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như toàn xã hội trong suốt 27 năm ở Việt Nam. Chiến lược này tiếp tục tập trung vào 6 lĩnh vực trọng tâm mà Công ty có thể mang đến đóng góp lớn nhất tại Việt Nam: tuyên truyền uống có trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước, giảm khí thải CO2, hỗ trợ cộng đồng, nguồn cung ứng bền vững, sức khỏe và an toàn.

Phát triển bền vững vẫn là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam, nhưng đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà chúng tôi gặp phải đó là tìm được đối tác phù hợp để thực hiện các hoạt động của mình.

Chẳng hạn, khi thực hiện mô hình nền kinh tế tuần hoàn trong những mảng hoạt động như năng lượng sinh khối và tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, chúng tôi đều cần phối hợp với các đối tác. Quan trọng hơn cả, để có thể hiện thực hóa mô hình này, cần phải có hệ thống cơ sở pháp lý từ phía Chính phủ.

Ngày càng có nhiều công ty cam kết phát triển bền vững và muốn cùng hợp tác với chúng tôi, vì vậy sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong thời gian tới. Với sự đồng lòng về mục tiêu và định hướng từ phía Chính phủ cũng như các đối tác, tất cả chúng ta có thể tiến xa hơn nữa trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Tin bài liên quan