Xoài là một trong những loại nông sản mang lại giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam.

Xoài là một trong những loại nông sản mang lại giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam.

Xoài Việt thẳng tiến sang Mỹ

Việc trái xoài tươi chính thức được cấp phép vào Mỹ từ ngày 18/2 sẽ góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sớm đạt mốc 5 tỷ USD.

Bước chân vào thị trường khó tính

Sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long, xoài là loại quả thứ 6 của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam.

Để xuất khẩu xoài tươi vào Mỹ, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu về vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã số để quản lý và truy suất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý với liều tối thiểu 400Gy; được Cục Bảo vệ thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Hành trình để xoài Việt có giấy thông hành đi Mỹ kéo dài tới gần 10 năm, nhưng qua được “cửa ải” này, theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của Mỹ.

Được biết, hàng năm, Mỹ phải nhập khoảng 400.000 tấn xoài tươi từ các quốc gia châu Mỹ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xoài nội địa của Mỹ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii, cùng một lượng nhỏ tại California và Texas, tổng sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm.

Là doanh nghiệp đã xuất khẩu nhiều loại trái cây sang Mỹ từ sớm, trong đó, vùng trồng xoài đúng tiêu chuẩn đã được chuẩn bị sẵn sàng và chỉ chờ phía Mỹ “gật đầu”, Công ty Thương mại dịch vụ và xuất khẩu Vina T&T trăn trở với bài toán tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh khi xuất xoài sang Mỹ, thị trường không chỉ đòi hỏi chuẩn cao, mà cạnh tranh cũng rất khốc liệt.

“Chúng tôi sẽ đưa xoài sang Mỹ, nhưng tại đây, xoài Việt sẽ phải cạnh tranh với xoài Mexico với lợi thế về thuế do có Hiệp định Mậu dịch tự do Bắc Mỹ; ngoài ra, còn cạnh tranh với Pê-ru, Ecuador, Brazil và Guatemala. Do đó, tìm kiếm giống xoài chất lượng và khác biệt, cùng phương án vận chuyển nhanh nhất sẽ là đường đi để xoài Việt có giá bán  tốt”, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ.

Gỡ điểm nghẽn để đi xa

Ông Conrad Estrada, Giám đốc vùng của APHIS cho biết, APHIS đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Việt Nam) để đảm bảo cho trái cây chất lượng cao của Việt Nam sang Mỹ không bị nhiễm dịch hại. Cá nhân ông Conrad Estrada cũng đánh giá cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cao của quả xoài Việt tại Mỹ.

Dù vậy, điểm yếu của trái xoài là tổn thất sau thu hoạch còn cao, lên đến 27%; khâu bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế… Đây là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu ra xuất khẩu của quả xoài.

Các chuyên gia tư vấn của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cho biết, 5 lý do khiến cho tổn thất sau thu hoạch của xoài Việt Nam ở mức cao là : kỹ thuật, thời gian thu hoạch và vận chuyển sau thu hoạch chưa đúng; không diệt khuẩn gây hại trái; không giữ trái sau thu hoạch ở điều kiện nhiệt độ phù hợp và không có giải pháp phòng chống mủ xoài...

Theo đó, để sản xuất thành vùng xuất khẩu quy củ, chuyên nghiệp và nâng được giá trị xuất khẩu, đưa xoài trở thành loại nông sản mang lại giá trị cao, việc quy hoạch vùng sản xuất và chế biến vẫn cần rà soát và điều chỉnh lại. Nếu giảm được tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng bằng công nghệ bảo quản hiện đại, giữ nguyên được độ tươi đạt các tiêu chuẩn khắt khe từ những thị trường khó tính, trái xoài Việt Nam với giá trị sản xuất đạt gần 750 triệu USD có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu mang lại ngoại tệ lớn.

Thực tế, 3 năm gần đây, rau quả đã vượt xa gạo về giá trị xuất khẩu. Năm 2016, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đã “qua mặt” lúa gạo để mang về 2,4 tỷ USD. Cuối năm 2017, trong khi xuất khẩu gạo đạt khoảng 2,5 tỷ USD, xuất khẩu rau quả tiếp tục vượt lên với kim ngạch 3,5 tỷ USD. Năm 2018, xuất khẩu rau quả đạt dấu ấn tăng trưởng kỷ lục với 3,8 tỷ USD, vượt gạo 700 triệu USD, xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Với những giải pháp mở cửa thị trường cho trái cây chất lượng cao Việt Nam vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản…, cùng lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, nhà máy chế biến, ngành rau quả xuất khẩu đang hướng đến tương lai đầy triển vọng.

Diện tích trồng xoài của cả nước hiện đạt gần 90.000 ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản lượng xoài trên thế giới và nằm ngoài top 10 nước xuất khẩu xoài, nhưng lượng xuất khẩu còn khiêm tốn.

Từ vài năm trước, Vina T&T đã tìm ra được 2 giống xoài đặc sản trong rất nhiều giống xoài ngon tại Vĩnh Long và Đồng Tháp để chinh phục khách hàng Mỹ. Theo tính toán, khi thị trường được khơi thông, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu xoài qua cả đường hàng không và đường biển, đồng thời chú trọng hình thức đóng gói sản phảm bắt mắt để bán ở phân khúc cao cấp tại Mỹ.

Tin bài liên quan