Trước áp lực cưỡng chế vì nợ thuế, Công ty vàng Phước Sơn đã phải ngưng hoạt động. Ảnh: T.H

Trước áp lực cưỡng chế vì nợ thuế, Công ty vàng Phước Sơn đã phải ngưng hoạt động. Ảnh: T.H

Xem xét rút giấy phép của Công ty Vàng Phước Sơn

Từ doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách đứng nhất nhì ở Quảng Nam, Besra giờ phải ngưng hoạt động và nợ thuế gần 430 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa cho biết vẫn đang xem xét thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty Vàng Phước Sơn (một trong 2 doanh nghiệp thuôc Tập đoàn Besra, Canada) do không chịu trả thuế.

“Phía công ty xin được tái cơ cấu nhưng chúng tôi vẫn chờ đề xuất về lộ trình của họ. Nếu kế hoạch không khả thi, chúng tôi sẽ thu hồi giấy phép”, ông Trần Văn Ẩn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nói.

Số nợ thuế của Công ty Phước Sơn hiện gần 335 tỷ đồng, còn Công ty vàng Bồng Miêu là hơn 95 tỷ đồng. Số nợ bao gồm cả tiền phạt nộp chậm dành cho hai công ty cùng thuộc Tập đoàn Besra này.

Theo cơ quan chức năng Quảng Nam, Công ty Bồng Miêu được cấp giấy phép đầu tư năm 1991, có thời hạn 25 năm. Năm 2003, Công ty Phước Sơn được cấp phép với thời hạn 30 năm. “Không giống với Công ty Phước Sơn được cấp giấy phép tách bạch, Bồng Miêu trước đây được cấp một giấy phép gồm cả giấy phép đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thể thu hồi. Tuy nhiên, đến ngày 5/3 vừa rồi, giấy phép này đã hết hạn”, ông Ẩn lý giải chuyện không rút giấy phép hai công ty vàng mặc dù Cục thuế Quảng Nam nhiều lần đề nghị.

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục thuế Quảng Nam, cho biết trước khi bị cơ quan này cưỡng chế, chỉ vài năm trước, Tập đoàn Besra Việt Nam vẫn là một trong hai doanh nghiệp đóng ngân sách lớn nhất tỉnh. Có năm, tỉnh Quảng Nam thu hơn 200 tỷ từ hai công ty vàng. Đỉnh điểm là những tháng đầu năm 2013, khi giá vàng lên cao.

Theo ông Bốn, trong lúc đang “ăn nên làm ra”, đầu tháng 8/2013, Tập đoàn Besra nhiều lần kiến nghị với truyền thông và Bộ Tài chính, phản đối việc tăng thuế tài nguyên đối với Công ty Phước Sơn. Không chỉ phản đối tăng, tập đoàn này còn đề nghị giảm mức thuế cũ từ 15% xuống còn 6% và thuế thu nhập doanh nghiệp từ 40% xuống còn 32%.

xem-xet-rut-giay-phep-cua-dai-gia-vang-no-thue-1
Vàng thỏi do Besra sản xuất. Ảnh: T.H

Trong lúc đang “kêu ca” thuế quá cao, hai công ty vàng bị Tổng cục Hải quan tổ chức thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2012, hai công ty này đã xuất khẩu gần 5 tấn vàng. Theo quy định, đối với vàng nguyên liệu có hàm lượng 99,99% (vàng bốn số 9), sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, sau khi thanh tra, Hải quan phát hiện hai công ty này đưa vàng thỏi tới một cơ sở đóng tại Thụy Sỹ để tiếp tục tinh luyện. 5 tấn vàng này cũng không có chứng thư giám định của công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty duy nhất được chỉ định cho việc giám định hàm lượng vàng).

“Điều này chứng tỏ gần 5 tấn vàng chưa phải sản phẩm công nghiệp nên không được miễn thuế xuất khẩu. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị truy thu 250 tỷ tiền thuế”, ông Bốn kể.

Việc truy thu tiền thuế “lùm xùm” trong nhiều tháng, Tập đoàn Besra nhiều lần gửi khiếu nại. Bộ Tài chính sau đó phải hủy quyết định truy thu. “Mặc dù thoát được 250 tỷ tiền thuế nhưng các chủ đầu tư ở nước ngoài dường như đoán được tương lai của Besra Việt Nam nên quyết định rút vốn. Động thái này là bước đầu tiên đẩy hai công ty vàng vào giai đoạn khó khăn”, một lãnh đạo Cục thuế Quảng Nam phân tích.

“Dường như công ty mẹ ở nước ngoài đã ‘ăn đủ’ trong nhiều năm đầu tư ở Việt Nam nên cũng thờ ơ, không rót vốn nữa. Họ không chỉ không đầu tư thêm máy móc mà còn ‘vơ vét’, đưa ra nước ngoài hết”, vị này nói thêm.

Trong những tháng cuối năm 2013, hai công ty vàng gần như không nộp thuế. Để phản ứng chuyện tăng thuế tài nguyên và hải quan đòi truy thu thuế xuất khẩu, hai công ty nhiều lần đóng cửa. Trong năm 2014, hai công ty này chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách. Đến tháng 4/2014, nợ thuế của hai công ty là 300 tỷ đồng. Sau nhiều lần không nhận được sự hợp tác, Cục thuế Quảng Nam quyết định cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, Besra Việt Nam vẫn chây ì, nhiều lần đề nghị được xóa nợ.

xem-xet-rut-giay-phep-cua-dai-gia-vang-no-thue-2
Trong những năm qua, ước tính hai công ty đã khai thác và xuất khẩu khoảng 7 tấn vàng. Ảnh: T.H

“Sở dĩ đơn vị nợ thuế là do từ năm 2013 đến nay, chi phí lương, vật tư, nhiên liệu… đều tăng lên trong khi đó giá vàng thế giới giảm dẫn đến công ty khó khăn. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng phải đầu tư lớn, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, hàm lượng vàng làm ra không ổn định”, đại diện Besra phân trần trong một lần tổ chức họp báo. Tháng 7/2014, hai công ty vàng lần lượt ngừng hoạt động.

Theo ông Ngô Bốn, Cục thuế Quảng Nam vẫn bảo lưu quan điểm yêu cầu Besra trả nợ thuế nếu muốn được ngừng cưỡng chế. “Hoặc trả nợ lập tức hoặc đưa ra phương án trả dần trong một năm”, ông Bốn nói.

Liên quan đến việc Công ty Bồng Miêu mặc dù đã hết thời hạn hoạt động từ tháng 3 nhưng vẫn lén lút sản xuất, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã kiểm tra và yêu cầu công ty này dừng ngay các hoạt động khai thác.

“Công ty này vẫn chưa được gia hạn đầu tư. Họ đề nghị gia hạn nhưng lại không cung cấp đầy đủ hồ sơ cho các cơ quan theo chỉ đạo của UBND tỉnh như cam kết trả nợ tiền thuế, phí, các nghĩa vụ khác; thay đổi thành viên góp vốn, tỷ lệ góp vốn của thành viên mới tham gia, chứng minh năng lực tài chính”, ông Toàn nói.

Tin bài liên quan