Quang cảnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Ảnh: Huy Hùng

Quang cảnh sau vụ cháy Công ty Rạng Đông. Ảnh: Huy Hùng

Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông: Để tránh xoá sổ một thương hiệu

Đã hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn, trang web của Công ty cổ phần Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vẫn không có một lời nào về vụ cháy tại Công ty. Người dân quanh khu vực nhà máy vẫn đang chờ đợi những động thái ứng xử (trước hết là thông tin chính thống) của Công ty.

Vòng xoáy khủng hoảng niềm tin

Hiện, nguyên nhân vụ hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố.

Có lẽ, câu chuyện của Rạng Đông giờ đây không còn là kết quả kinh doanh, hay thống kê mức độ thiệt hại (như Công ty từng tuyên bố thiệt hại 150 tỷ đồng), bởi thời điểm này chưa ai có thể ước lượng được mức độ thiệt hại thực sự đối với Công ty từ việc khắc phục hậu quả (nếu có) như: xử lý môi trường, chi phí khám sức khỏe cho người lao động, bồi thường thiệt hại vật chất cho hàng ngàn hộ dân xung quanh, di dời nhà máy… mà chính là phải hành xử như thế nào để không dẫn đến khủng hoảng niềm tin của người dân, trước nguy cơ xóa sổ một thương hiệu đứng vững và phát triển hơn 60 năm qua.

GS-TS. Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, việc Công ty Rạng Đông không công khai, minh bạch thông tin về hóa chất độc hại sử dụng để sản xuất bóng đèn sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê cho rằng, việc truyền thông của Công ty Rạng Đông là “quá tệ”, đáng lẽ phải sớm cung cấp thông tin trung thực thì Rạng Đông lại đưa thông tin không rõ ràng, khiến nhiều người hoang mang.    

Chuyên gia này chỉ ra sự gian dối của Công ty Rạng Đông qua việc công bố thông tin bất nhất. Chẳng hạn như, ban đầu, Công ty Rạng Đông báo cáo từ năm 2016 chỉ sử dụng viên amalgam để sản xuất bóng đèn và lượng amalgam trong kho bị cháy chỉ còn vài kg, nhưng qua đấu tranh của Tổng cục Môi trường, Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng.

Theo ông Bá, lẽ ra ngay sau vụ cháy, Công ty phải công bố minh bạch, cụ thể các loại hóa chất đã sử dụng trong sản xuất, các nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất thế nào, có chất thải hay không. Đó là trách nhiệm của một công ty, phải cho công chúng biết ngay sau thảm họa cháy, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương trong việc đưa ra phương hướng giải quyết, khắc phục hậu quả.

Vòng xoáy khủng hoảng niềm tin là cụm từ giới truyền thông đặt ra cho tình hình của Công ty Rạng Đông thời điểm này. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, dù vụ cháy hết sức nghiêm trọng, liên quan tới sức khoẻ của nhiều người dân và công việc kinh doanh của các cá nhân và doanh nghiệp trong khu vực, nhưng Công ty Rạng Đông chưa có động thái nào để hỗ trợ người dân, không những thế, còn đưa ra thông tin không trung thực. Đây là hành động khó có thể chấp nhận.

Nguy cơ chấm hết của một thương hiệu

Phích nước Rạng Đông - một sản phẩm không thể thiếu đối với nhiều gia đình Việt Nam của công ty này. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử từ những năm 60 của thế kỷ 20, phích nước Rạng Đông là một trong số ít thương hiệu Việt vẫn đứng vững và phát triển mạnh mẽ đến ngày nay.

Để niềm tự hào sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” này sống mãi trong lòng người tiêu dùng, Công ty Rạng Đông cần xử lý triệt để và kịp thời khủng hoảng, nếu không thì thiệt hại không chỉ là vật chất, mà còn là mất thương hiệu, người tiêu dùng quay lưng, đặt dấu chấm hết cho doanh nghiệp.

Hiện giới đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng khá hoang mang. Bằng chứng, giá cổ phiếu RAL của Rạng Đông liên tục giảm hơn 10 ngày qua, thậm chí, đang lao dốc về mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Cổ đông liên tục bán tháo cổ phiếu RAL. 

Đóng phiên giao dịch ngày 10/9, RAL đã giảm về 72.000 đồng/cổ phiếu, giảm 2.600 đồng, tương ứng mất giá 3,5% so với phiên trước. Trước đó, RAL có mức giảm 3 phiên liền, từ mức 83.250 đồng/cổ phiếu về mức 72.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong 4 phiên, cổ phiếu RAL đã mất giá 14%, tương ứng vốn hoá bốc hơi hơn 160 tỷ đồng. Rất có thể, đà giảm vẫn chưa dừng lại, bất chấp kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Rạng Đông khả quan, cùng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà Hội đồng Quản trị đã cam kết.

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như những quy định công khai minh bạch của một doanh nghiệp niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có công văn lần thứ hai, yêu cầu Công ty Rạng Đông khẩn trương, nghiêm túc thực hiện công bố thông tin chính thức liên quan đến vụ cháy theo quy định.

“Công ty nên ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt công bố thiệt hại thực sự để khoanh vùng ảnh hưởng. Tổ chức đàm phán về bồi thường cho người dân. Phối hợp cùng chính quyền và binh chủng hoá học tiến hành xử lý triệt để các nguy cơ ô nhiễm trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Đình Thành khuyến nghị.

Theo ông Thành, trong một cuộc khủng hoảng, thái độ và hành động là quan trọng nhất. Thái độ cầu thị, cảm thông, quan tâm đến con người là quan trọng. Hành động cần kịp thời, chính xác và triệt để. Nếu không, thương hiệu sẽ mất đi chỗ đứng vĩnh viễn trong lòng người tiêu dùng.

Tin bài liên quan