VNPT và Viettel doanh thu “khủng”, sao tăng cước?

VNPT và Viettel doanh thu “khủng”, sao tăng cước?

Cuối năm 2013, cả nước "lên tiếng" về cước 3G. Hai cánh chim đầu đàn ngành viễn thông là VNPT lẫn Viettel cùng lúc công bố số liệu doanh thu khủng. Hãy xem cách kiếm tiền của hai tập đoàn này.

Hai tập đoàn thu về hơn 13 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2013,  tổng doanh thu của Viettel ước đạt 162.886 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 15,2% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của Viettel ước đạt 35.086 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 13.586 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2012.

Trong khi đó, tổng doanh thu của VNPT năm 2013 ước đạt 119.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 7.894 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận toàn Tập đoàn VNPT ước đạt 9.265 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2012 doanh thu của VNPT trong năm 2012 đạt 130.390 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thu về chỉ đạt 8.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu của VNPT năm 2013 đã hụt khoảng 11.000 tỷ đồng so với năm 2012, nhưng lợi nhuận lại tăng 765 tỷ đồng.

Doanh thu của các nhà mạng còn lại thấp hơn nhiều. Chỉ có một nhà mạng có doanh thu dương là Vietnamobile thuộc CTCP Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom), còn các nhà mạng khác, như S-Fone và Gmobile đang lâm vào khó khăn.

Mỗi tập đoàn có một “cú đấm thép” riêng

Trong cơ cấu doanh thu năm 2013 của VNPT, mảng dịch vụ nội dung (mảng dịch vụ GTGT) có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, khoảng 45% so năm 2012; mảng dịch vụ băng rộng cáp quang, tăng 26%. Trong khi đó, doanh thu của mảng dịch vụ di động của VNPT lại có vẻ chững lại.

Theo số liệu do Bộ TT&TT công bố, năm 2013, VNPT đã bị giảm khoảng 10 triệu thuê bao di động. Tính đến cuối năm 2013, VNPT chỉ có  tổng cộng 40,4 triệu thuê bao điện thoại (phát sinh cước) trên mạng, chỉ bằng 78% so với cuối năm 2012.

Trong năm 2013, Tập đoàn VNPT đã đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông, xin phép được cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên phạm vi toàn quốc nhằm tận dụng mạng lưới và năng lực sẵn có. Nhiều khả năng, Bộ TT&TT sẽ cấp giấy phép cung cấp dịch vụ này cho VNPT trong thời gian tới.

Năm 2013 cũng là năm mà VNPT vật lộn tiến hành tái cấu trúc, với việc chuyển Tổng công ty Bưu điện Việt Nam về Bộ TT&TT và xây dựng Đề án Tái cấu trúc Tập đoàn, với việc tách nhập MobiFone và VinaPhone. Trong khi đó, hai vệ tinh là Vinasat 1 và Vinasat 2 vẫn đang lỗ khá lớn, khiến VNPT phải gánh lỗ.

Còn Tập đoàn Viettel đạt được doanh thu “khủng” chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng là mạng di động. Viettel vẫn tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng (vượt VNPT hơn 13,8 triệu thuê bao).

Hiện Viettel có 54,25 triệu thuê bao điện thoại lũy kế toàn mạng. Trong năm 2013, Viettel đã tăng thêm 1,81 triệu thuê bao di động; tăng gần 2,15 triệu thuê bao 3G; tăng gần 44.000 thuê bao thuê bao băng rộng và Internet.

Cùng thay đổi chiến lược

Rất có thể cơ cấu trong doanh thu của VNPT và Viettel trong thời gian tới sẽ có nhiều thay đổi.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel chính thức từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông, mà chuyển sang khái niệm nhà cung cấp dịch vụ. Viettel đã thực hiện việc chuyển đổi này được gần 2 năm nay.

Hiện số lượng người mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng là gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% nhân lực của Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cũng cho biết, trong giai đoạn (2013 - 2015), VNPT tập trung vào tái cơ cấu.

Trong đó, viễn thông các tỉnh vẫn là chi nhánh hạch toán phụ thuộc, còn các đơn vị khác cần phải hạch toán độc lập tối đa. Để phù hợp với trào lưu công nghệ mới trên thế giới, VNPT sẽ thành lập một đơn vị có trong tay đủ phần mềm, đủ sức mạnh để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng, đủ sức sáng tạo, tạo sân chơi và tính độc lập trong hạch toán.

Năm 2013, doanh thu của Viettel vượt VNPT là 43.886 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD). Lợi nhuận trước thuế của Viettel cũng nhiều hơn VNPT 25.821 tỷ đồng.

Trước đó, 2012 là năm đầu tiên đánh dấu doanh thu của Viettel vượt VNPT (140.000 tỷ đồng so với 130.500 tỷ đồng). Mức lợi nhuận năm 2012 của Viettel cũng đạt 24.500 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với VNPT là 8.500 tỷ đồng.