Viettel "đổi sim lấy bò': Xin đừng đếm cua trong lỗ...

"Viettel không hề có mảy may ý định lợi dụng chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" để phát triển thuê bao trả sau," ông Đỗ Minh Phương, Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ.

Hỗ trợ giống bò lai sind chất lượng cao cho nông dân. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Hỗ trợ giống bò lai sind chất lượng cao cho nông dân. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trước những ý kiến trái chiều về việc đổi sim lấy bò giống giúp người nghèo biên giới, lãnh đạo của Viettel Telecom đã có cuộc trao đổi với báo chí truyền thông để phản hồi chính thức về vấn đề này.

Theo đó, tháng 6/2014, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội đã chính thức triển khai chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới."

Trong thời gian từ 6/2014 - 10/2016, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức mua bò cái sinh sản từ đóng góp trực tiếp từ các nhà hảo tâm và từ việc phát triển các dịch vụ viễn thông (do Viettel chủ trì) để trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ở 11 tỉnh biên giới phía Bắc (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái). 

Xin đừng đếm cua trong lỗ...

Theo chương trình, dự kiến Ban chỉ đạo sẽ trao tặng 24.000 con bò giống cho đồng bào nghèo biên giới. Mỗi con bò trị giá 15 triệu đồng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các gia đình được lấy từ doanh thu phát triển khách hàng mới của Viettel. Cụ thể, mỗi khách hàng cam kết sử dụng dịch vụ di động tối thiểu 100.000 đồng/tháng trong vòng 3 năm sẽ được Viettel hỗ trợ 1 triệu đồng, như vậy với 15 khách hàng, sẽ có một nguồn kinh phí để mua một con bò trị giá 15 triệu tặng hộ nghèo.

Tuy nhiên, khi chương trình đi vào thực tế, đã có nhiều ý kiên cho rằng chương trình: “Bò giống giúp người nghèo biên giới” dù mang tính nhân văn nhưng lại gắn với những điều kiện thương mại khắt khe. Thêm vào đó, nếu tính mỗi khách hàng sử dụng sim Viettel đủ 3 năm sẽ đem về cho nhà mạng 54 triệu đồng, trong khi giá của một con bò chỉ là là 15 triệu đồng…

Giải đáp vấn đề này, ông Phương khẳng định đây là một chương trình "thuần túy nhân văn" bởi nếu đằng thẳng lợi ích kinh doanh thì ngay cả khi khách hàng thực hiện đúng cam kết, thì sau 3 năm, lợi nhuận Viettel thu về tối đa cũng chỉ từ 8-10 triệu đồng. Số tiền này, chưa đủ để mua 1 con bò (giá trung bình là 15 triệu đồng/con). Đó là chỉ tính trên những người thực hiện đúng cam kết, không thể kể đến số người tham gia mua sim rồi có thể rời mạng, cũng chưa tính đến tiền lãi ngân hàng mà Viettel ứng ra để mua bò cho nông dân ngay đầu dự án, ông Phương nói.

Thực tế khi triển khai, cũng có một số địa phương muốn đẩy nhanh tiến độ của chương trình nên đã ra văn bản kêu gọi các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn tỉnh tích cực hưởng ứng bằng cách mua sim trả sau của Viettel. Từ đó, dẫn đến những hiểu sai về chương trình, cho rằng Viettel đã dùng chương trình để "kích cầu" thuê bao, lãnh đạo của Viettel Telecom phát biểu.

“Trong chương trình này, Viettel không có quyền và không hề ép bất cứ nhà hảo tâm nào phải mua sim, dùng mạng Viettel. Nếu có chuyện đặt ra chỉ tiêu để phát triển đàn bò giống cũng chỉ là xuất phát từ ban chỉ đạo chương trình mong muốn nhanh chóng có đàn bò giống tặng cho đồng bào nghèo,” ông Phương nói.

Viettel cam kết đồng hành cùng nông dân

Đứng về phía vĩ mô, thì rõ ràng, với tư cách một doanh nghiệp Nhà nước, Viettel Telecom dù tham gia bất cứ chương trình từ thiện, xã hội nào cũng sẽ phải tính toán để mang lợi ích tối đa cho đất nước. Hình thức win-win (đôi bên cùng lợi) sẽ là cái hợp lý và hiệu quả nhất để cùng phát triển.  Do vậy, việc đặt vấn đề "trục lợi" trên chương trình nhân văn là không thấu tình lại đoạt lý, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Về phía mình, Viettel Telecom cho biết: Khi trao tặng bò cho người nghèo biên giới, Viettel tặng kèm một điện thoại di động. Vì thế, người được nhận bò và người cho bò đều có số điện thoại để có thể dễ dàng kiểm tra xem số tiền bỏ ra từ thiện có đến được đúng với đối tượng hay không. Mặt khác, cả người tặng bò và người được nhận bò đều được cung cấp thông tin, số điện thoại liên hệ để trao đổi thông tin với nhau, đây chính là điểm rất mới và minh bạch của chương trình. Mặt khác, dù nhà hảo tâm có mua sim để đạt được mục đích cho bò, rồi sau đó rời mạng thì Viettel vẫn sẽ theo chương trình này đến cùng, giám đốc Viettel Telecom khẳng định

Ông Đỗ Minh Phương cũng bày tỏ hy vọng rằng người dân hoặc các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp viễn thông) nếu tích cực tham gia chương trình thì việc giúp đỡ các bà con vùng khó sẽ nhanh hơn và mang lại hiệu quả hơn.

Hiện nay, Ban chỉ đạo đã phát triển được quỹ bò 4.200 con và trong tháng 10, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức trao bò đồng loạt cho đồng bào nghèo 11 tỉnh biên giới, mỗi tỉnh từ 200-300 con.

Lãnh đạo của Viettel Telecom cũng chia sẻ, để tránh hiểu lầm như trong thời gian vừa qua, đơn vị này sẽ truyền thông với nội dung mỗi một thuê bao tham gia chương trình, Viettel sẽ trích 1 triệu đồng để mua bò giúp người nghèo biên giới./.

Tin bài liên quan