Bình quân mỗi nhân viên của VietJetAir trong 7 tháng đã làm ra khoảng 3,5 tỷ đồng doanh thu

Bình quân mỗi nhân viên của VietJetAir trong 7 tháng đã làm ra khoảng 3,5 tỷ đồng doanh thu

Vietjet thu được gì sau 3 năm cất cánh?

VieJetAir thu được gì từ việc vận chuyển hơn 7,4 triệu lượt hành khách an toàn chỉ sau 3 năm cất cánh?

Tại lễ sơ kết hoạt động 7 tháng đầu năm 2014 của VietJetAir vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hàng không VietJet khẳng định, VietJetAir đã đạt lợi nhuận kế hoạch. Mặc dù xin khất việc công bố chỉ tiêu lợi nhuận tới thời điểm thích hợp, nhưng CEO VietJetAir khẳng định, kết quả kinh doanh của hãng hàng không chi phí thấp này là khả quan, bám sát các mục tiêu đề ra vào đầu năm.

Cụ thể, với đội bay gồm 15 chiếc Airbus A320 mới, hiện đại, VietJetAir đã vận chuyển gần 3 triệu hành khách, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước (lượng khách vận chuyển lũy kế đến ngày 31/7/2014 đã đạt hơn 7,4 triệu hành khách); thực hiện 18.547 chuyến bay an toàn với 27 đường bay trong nước và quốc tế; độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,39%; tổng doanh thu đạt 4.580 tỷ đồng; nộp ngân sách 349 tỷ đồng, lũy kế đến 31/7/2014 là 1.510 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của VietJetAir lẽ ra còn “sáng sủa” hơn, nếu các đường bay quốc tế của Hãng không bị ảnh hưởng bởi các biến cố chính trị trong khu vực như căng thẳng trên Biển Đông; diễn biến phức tạp trên chính trường Thái Lan…

“Các đường bay của VietJetAir chuẩn bị bay tới Trung Quốc như Côn Minh, Thâm Quyến, Thượng Hải, Thành Đô, Nam Ninh; đường bay từ Trung Quốc về Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc dù đã hoàn tất công tác chuẩn bị, nhưng đã buộc phải tạm dừng”, ông Khánh tiết lộ.

Được biết, số liệu của VietJetAir cơ bản khớp với công bố của Cục Hàng không Việt Nam về thị trường hàng không nội địa trong 7 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tổng lượng khách vận chuyển của VietJetAir là 2,954 triệu lượt khách, chiếm khoảng 28% thị phần trong tổng số 10,2 triệu lượt khách toàn thị trường hàng không nội địa. Như vậy, sau 3 năm hoạt động, VietJetAir đã vươn lên trở thành hãng hàng không nội địa lớn thứ hai, giữ một khoảng cách khá xa so với 2 hãng hàng không còn lại là Jetstar Pacific Airlines và Vasco.

Cần phải nói thêm rằng, sau 3 năm khai thác, VietJetAir có chi phí vận hành vào loại thấp nhất trong số các hãng hàng không trong khu vực châu Á, trong khi nằm trong top đầu về hệ số sử dụng ghế (95,5% trong tháng 7/2014).

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của Hãng cũng được đánh giá là tinh gọn, chỉ với 1.326 nhân viên. Tính bình quân, mỗi nhân viên của VietJetAir trong 7 tháng đã làm ra khoảng 3,5 tỷ đồng doanh thu. Đây cũng lý do khiến VietJetAir rất mạnh tay công bố các mức thưởng khủng cho một số đơn vị có thành tích nổi bật, đóng góp vào thành công chung của Hãng, trong đó có những đầu mối được thưởng tới 1,6 tỷ đồng.

“VietJetAir là một minh chứng rõ ràng rằng, việc kinh doanh hàng không tại Việt Nam vẫn có thể có lãi, nếu có cách làm hợp lý, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng”, một chuyên gia khẳng định.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, với giá vé hợp lý, mạng đường bay phong phú, VietJetAir đã mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ hàng không hiện đại, thuận tiện cho đại bộ phận người dân Việt Nam. Quan trọng hơn, sự vươn lên của VietJetAir và một số hãng hàng không nội địa khác sẽ góp phần giữ vững thị phần vận chuyển khách khi Hiệp định “Bầu trời mở” trong khu vực ASEAN có hiệu lực vào năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT VietJetAir cho rằng, sự kiên nhẫn và niềm tin mạnh mẽ mà cổ đông của VietJetAir dành cho đội ngũ điều hành, dù chưa được chia bất cứ đồng cổ tức nào trong 3 năm hoạt động, đã tiếp thêm sức mạnh để Hãng theo đuổi mục tiêu mở rộng cơ hội bay cho đông đảo người dân Việt Nam. “Đây chính là thành công lớn nhất của VietJetAir sau 3 năm hoạt động”, bà Thảo cho biết.

Tin bài liên quan