Việt Nam tạm dừng nhập khẩu thịt lợn Hungary và Ba Lan vì lo dịch tả

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn vừa ký văn bản tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Hungary và Ba Lan vào Việt Nam do lo ngại dịch tả heo châu Phi đang diễn ra ở các nước này.

Trong công văn vừa gửi Đại sứ quán Hungary và Đại sứ quán Ba Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu rõ, theo Thông báo của Tổ chức Thú Y thế giới (OIE) về tình hình dịch tả lợn Châu Phi tại Hungary, từ đầu năm 2018 đến nay, dịch bệnh xảy ra tại 2 tỉnh Heves và Szabolcs-Szatmar-Bereg gây chết 17 con và tiêu hủy 1 con lợn.

Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát mạnh ở nhiều nước  

Tại Ba Lan, từ đầu năm 2018 đến nay Ba Lan đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tại 5 tỉnh (Warminsko-Mazurskie, Podkarpackie, Podlaskie Mazowieckie, Lubelskie) trên 315 con lợn rừng và 162 con lợn nuôi trong tổng đàn 5440 con.

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh ASF vào Việt Nam, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh của Hungary và Ban Lan đang có ASF áp dụng từ ngày 20/9/2018 cho đến khi Hungary và Ba Lan công bố an toàn ASF theo quy định của OIE.

Với những lô hàng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh đang có dịch nhưng đã rời cảng xuất hành trước ngày 20/9/2018 và đang trên đường từ Hungary, BaLan đến Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ yêu cầu cơ quan Thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhất là bệnh ASF đối với những lô hàng này. 

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam nhập khẩu rất ít thịt heo từ Ba Lan và Hungary, mà chủ yếu nhập từ Mỹ và Canada. 

Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện ở châu Á vào năm ngoái, trong một khu vực của Siberia ở Liên bang Nga. Tuy nhiên tình hình chỉ trở nên nghiêm trọng khi dịch lan tới Trung Quốc vào tháng 8 vừa qua và hiện đang lây lan rất nhanh.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), nếu tính từ cuối 2017 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan đến 12 quốc gia. Dịch bệnh này hiện không có vắc xin và không thể chữa. Virus gây ra bệnh là chủng độc lực cao, giết chết 100% số lợn bị nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phát đi cảnh báo, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Việt Nam sẽ siết chặt tình hình vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới không rõ nguồn gốc.

Phía Bộ Y tế cho biết, chủng virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi khác với bệnh tả ở người và không có khả năng lây nhiễm sang người. 

Tin bài liên quan