Các doanh nghiệp đang mong chờ nhu cầu tăng trong dịp hè để giải quyết đường tồn kho. Ảnh: Đức Thanh

Các doanh nghiệp đang mong chờ nhu cầu tăng trong dịp hè để giải quyết đường tồn kho. Ảnh: Đức Thanh

Vật vã tìm đầu ra cho 700.000 tấn đường tồn kho “bất thường“

Hơn 700.000 tấn đường tồn kho, cộng với một lượng lớn đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường. Đầu ra của đường sản xuất trong nước chưa bao giờ hẹp như lúc này.

Lượng đường tồn kho cao kỷ lục

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 3/5/2017, các nhà máy đường đã ép được 11,3 triệu tấn mía, sản xuất được 1,04 triệu tấn đường.

Đáng quan ngại là, lượng đường tồn kho hiện đã ở mức 717.000 tấn, riêng tồn kho tại nhà máy đã là 675.000 tấn. Trong đó, đường trắng tồn kho 337.000 tấn, đường luyện 313.000 tấn và đường vàng thô gần 67.000 tấn.

VSSA cho hay, lượng tồn kho năm nay là bất bình thường, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết, năm nào cũng có đường tồn kho, nhưng lượng tồn kho năm nay là quá lớn, cao kỷ lục so với mức tồn kho được cho là cao nhất vào thời điểm tháng 4/2014 là 701.680 tấn.

Theo ông Doanh, nguyên nhân đầu tiên là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết, nên hầu hết các nhà máy đường năm nay vào vụ muộn so với các năm trước từ 15 ngày đến 1 tháng. Có những nhà máy ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long vào vụ, nhưng không chạy liên tục, phải nghỉ giữa chừng, nên lượng đường sản xuất dồn nhiều ở giai đoạn cuối.

Một nguyên nhân có tác động khá lớn nữa là tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại năm nay diễn biến phức tạp hơn so với mọi năm. Theo số liệu mà các doanh nghiệp ước tính, lượng đường nhập lậu và gian lận thương mại tới 400.000 - 500.000 tấn.

Kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa hè

Ước tính, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam trung bình 1,5 triệu tấn/năm. Nhưng từ cuối tháng 12/2016 đến nay, tình hình tiêu thụ đường trong nước khá chậm, lượng đường lậu về nước đã lên đến 400.000 tấn, tương đương với 1/3 lượng sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay, đã khiến tồn kho đường lần đầu tiên chạm mức 717.000 tấn.

Một nguyên nhân khiến đường trong nước khó cạnh tranh là yếu tố giá. Giá đường lậu hiện thấp hơn khá nhiều so với giá đường trong nước.

Lượng tồn kho năm nay là bất bình thường, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo khảo sát của VSSA, ngày 3/5, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội từ 15.600 - 16.300 đồng/kg, miền Trung từ 15.000 - 15.400 đồng/kg, TP.HCM từ 15.600 - 16.400 đồng/kg. Tuy nhiên, giá đường Thái Lan nhập lậu ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) chỉ có 14.000 đồng/kg, ở Đông Hà 14.500 đồng/kg, ở biên giới Tây Nam 14.500 đồng/kg và ở TP.HCM là 15.000 đồng/kg. 

Các chuyên gia ngành mía đường cho hay, với giá thành sản xuất đường hiện nay, rất khó để các doanh nghiệp hạ giá bán đường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ. Theo ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, do trốn thuế nên đường nhập lậu có giá bán rẻ hơn so với đường trong nước.

Lượng đường tồn kho chạm ngưỡng kỷ lục, giải pháp của các doanh nghiệp lúc này là chờ nhu cầu tăng khi vào mùa hè. Theo thông lệ, vào hè, lượng đường sử dụng sẽ nhiều lên và đến tháng 6 năm nay, các nhà máy đường cũng dừng sản xuất nên sẽ giảm cung và tăng cầu, điều này cũng sẽ góp một phần trong việc giảm lượng đường tồn kho trong thời gian tới.

Kỳ vọng là vậy, nhưng các doanh nghiệp vẫn quan ngại về nguồn cung quá lớn. Ngoài sản lượng đường trong nước, đường tồn nằm trong kho, thì từ nay đến cuối năm, lượng đường hạn ngạch lên tới 89.500 tấn sẽ được nhập về theo cam kết WTO, thì đầu ra khó sáng sủa.

Theo Bộ Công thương, việc nhập khẩu gần 90.000 tấn đường theo hạn ngạch vẫn được thực hiện hàng năm, bởi theo cam kết trong WTO, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng đường nhất định (tăng 5% từng năm).

Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh tồn kho tăng cao, tiêu thụ gặp khó, việc nhập khẩu 89.500 tấn đường theo cam kết WTO dù không nhiều, nhưng cũng sẽ là một áp lực cho doanh nghiệp.

Để giảm áp lực tiêu thụ, VSSA đã có văn bản gửi Bộ Công thương xem xét cho phép tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm nay trong quý III và nhập khẩu đường hạn ngạch thuế quan trong quý IV/2017.

Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện tồn kho ngành đường sẽ còn tái diễn, khi chi phí sản xuất đường chưa được hạ xuống và giá đường trong nước luôn cao hơn khu vực thì tình trạng buôn lậu đường còn diễn biến khôn lường.

Tin bài liên quan