Không chỉ thép, các lĩnh vực như thủy sản, dệt may... từ lâu đã "ngấm đòn" áp thuế của Mỹ.

Không chỉ thép, các lĩnh vực như thủy sản, dệt may... từ lâu đã "ngấm đòn" áp thuế của Mỹ.

Từ thép, doanh nghiệp Việt nhìn xa về thuế chống bán phá giá vào Mỹ

(ĐTCK) Mới đây, Mỹ đã quyết định áp thuế 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này làm dấy lên mối lo không chỉ với doanh nghiệp ngành thép, mà còn là những doanh nghiệp đang có hàng hóa xuất đi Mỹ.

Đằng sau câu chuyện áp thuế chống phá giá thép

Đầu tháng 7/2019, doanh nghiệp ngành thép Việt Nam đón nhận tin sốc khi Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết sẽ bắt đầu thu khoản thuế lên tới 456,23% giá trị sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam với nguyên liệu sử dụng được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc để sản xuất thép chống gỉ và thép nguội.

Mỹ đã khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018 khi thấy sản lượng thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, lần lượt đạt 331,95 và 916,4% so với năm trước. Đáng chú ý, sự đột biến này diễn ra sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép tương tự của Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Kết quả điều tra sau 11 tháng, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã sơ bộ kết luận về việc sản xuất thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng, thép nền được nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc, giúp lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng.

Thực tế, trước khi có lệnh áp thuế, hoạt động xuất khẩu thép từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp Việt Nam đã gặp khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) chia sẻ, chưa bao giờ ngành thép gặp khó khăn như năm nay, hoạt động xuất khẩu bị chặn bởi nhiều rào cản thương mại, trong khi giá xuất khẩu giảm mạnh.

Đằng sau lệnh áp thuế “khủng” lên mặt hàng thép này, Mỹ thể hiện thái độ kiên quyết ngăn chặn tận gốc các hàng hóa gian lận xuất xứ. Giới chuyên gia cảnh tỉnh các doanh nghiệp, hành động này sẽ không chỉ dừng lại ở sản phẩm thép.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một doanh nghiệp gỗ tại Bình Dương đang xuất khẩu sang Mỹ cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang lo lắng về vấn đề này, cạnh tranh trên thị trường vốn đã khốc liệt, những chính sách siết chặt của thị trường nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp hơn.

Theo vị này, hiện nay, trên thị trường có một số doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc, thay đổi nhãn mác, bao bì và đóng gói xuất khẩu. Hoạt động này hiện đang bị điều tra gian lận thương mại và thường xuất hiện trong khối doanh nghiệp mảng ván ép. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tính toán tỷ trọng nguyên liệu có xuất xứ của Trung Quốc ở mức đủ cho phép xuất khẩu. Với tỷ trọng gần 30-40%, những hạng mục như sơn, đóng gói bao bì, chi phí nhân công... đủ để doanh nghiệp lấy xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam.

Để ngăn ngừa tình trạng trên, doanh nghiệp này kiến nghị, thay vì đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư phát triển ngành công nghệ gỗ tại Việt Nam, Nhà nước nên tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển. Bởi so về trình độ, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp gỗ Trung Quốc là "một 9, một 10", không có sự chênh lệch lớn, trong khi để mở cửa thu hút, doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế hơn, được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước.

"Hiện nay, 90% nguyên liệu gỗ được chúng tôi nhập khẩu từ Mỹ và thị trường này ghi nhận tăng trưởng bình quân 10-15%/năm, nhưng áp lực cạnh tranh luôn hiện hữu. Thời gian tới, nếu xuất khẩu gỗ sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng đột phá sẽ dễ lọt vào 'tầm ngắm' về xuất xứ”, lãnh đạo doanh nghiệp này quan ngại.

Không chỉ thép, doanh nghiệp thủy sản từ lâu cũng đã “ngấm đòn” khi bị Mỹ đưa ra các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, thuế chống lẩn tránh thuế. Mới đây, vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Darin LaHood, Nghị sỹ Hoa Kỳ đã gửi thư yêu cầu CBP tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC). Vị này cáo buộc MPC nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.

Thông tin về cáo buộc này, MPC cho biết, sau khi nhận được các yêu cầu, cáo buộc từ các bên liên quan, hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và thi hành năm 2015 của Hoa Kỳ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ ra thông báo về kết luận sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định. Tính đến thời điểm này, MPC chưa nhận được phản hồi từ CBP.

Trước đó, MPC đã có thời gian bị áp lệnh chống bán phá giá và đã được tháo gỡ năm 2016. Từ đầu năm đến nay, sản phẩm tôm xuất khẩu đi Mỹ của MPC ghi nhận sự sụt giảm. MPC cho biết, trong quý I/2019, lượng tôm xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt khoảng 33% trên tổng lượng xuất khẩu, giảm so với tỷ trọng hơn 41% của năm 2015. Để tránh việc phụ thuộc vào một thị trường, MPC sẽ không đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào Mỹ, mà tiếp tục đa dạng hóa thị trường, trong đó tập trung vào thị trường châu Âu và các nước lân cận.

Với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng nhờ được hưởng lợi thuế. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc VHC cho biết, thị trường Mỹ hiện chiếm 60% trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của VHC. Việc được hưởng thuế nhập khẩu vào Mỹ 0% trong những năm qua là yếu tố thuận lợi giúp VHC ghi nhận sự tăng trưởng. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, bà Tâm cho biết, 100% sản phẩm của VHC xuất đi Mỹ là nguyên liệu Việt Nam, sản phẩm cá phi lê đông lạnh được Công ty nuôi trồng tại Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp dệt may, sự lo ngại cũng hiện hữu. Tại Tổng công ty May 10, xuất khẩu sang Mỹ chiếm 47% trong cơ cấu sản phẩm và là thị trường xuất khẩu lớn nhất (tiếp theo đó là các thị trường châu Âu 35%, Nhật Bản 15%), nhưng doanh nghiệp này cũng đang lo lắng bị ảnh hưởng trong dài hạn.

"Các doanh nghiệp xuất khẩu đều không muốn bị điều tra bán phá giá. Hiện nay, điều chúng ta quan tâm nhất là việc doanh nghiệp may mặc chỉ sản xuất một vài công đoạn, sau đó sang Việt Nam hoàn thiện sản phẩm đóng gói, lấy xuất xứ Việt Nam. Đội lốt xuất xứ là hành động nguy hiểm, gây cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu cần cảnh giác với chiêu trò này. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay ngăn ngừa và xử lý những doanh nghiệp vi phạm", ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 nói.

Doanh nghiệp chật vật với phòng vệ thương mại

Bị kiện bán phá giá là điều không mong muốn, nhưng lý do bị kiện hầu hết xuất phát từ cách kinh doanh của chính doanh nghiệp. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia kinh tế cho hay, từ năm 2017, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm thép của Trung Quốc, có hiện tượng hàng Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng ồ ạt. Mỹ đã tiến hành điều tra sản phẩm thép xuất sang Mỹ và ra quyết định áp thuế rất cao, lên tới hơn 500% với 2 loại thuế chống bán phá và thuế lẩn chống trợ cấp.

“Khi đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam để ý sẽ giải quyết vấn đề đơn giản hơn vì từ giữa năm 2017, doanh nghiệp Việt đã sản xuất được thép cuộn cán nóng, tôn sơn phủ màu, chủ động được nguồn nguyên liệu đều từ Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lựa chọn cách làm thương mại, sản xuất vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ tới lâu dài. Khi bị phát hiện gian lận thương mại, chính quyền nước sở tại sẽ xử lý rất nghiêm khắc. Doanh nghiệp tử tế đã bị vạ lây bởi những doanh nghiệp kinh doanh gian lận. Hàng hóa vào Mỹ sẽ được kiểm soát chặt hơn”, ông Sưa nói.

Khi được hỏi vì sao doanh nghiệp Việt Nam lại chật vật xoay sở trước mỗi vụ kiện, ông Sưa cho rằng, đó là do hệ thống thống kê không rõ ràng của doanh nghiệp.

“Hệ thống thống kê của doanh nghiệp Việt hiện chưa tương thích với thông lệ quốc tế. Người Việt chưa ý thức rõ được tầm quan trọng của thống kê, nên kê khai không đúng sự thật, dẫn tới việc doanh nghiệp gặp khó khăn. Thông thường, việc điều tra chống bán phá giá, chống lẩn trợ cấp diễn ra trong 3 năm kể từ thời điểm phát hiện. Doanh nghiệp phải trả lời một bảng câu hỏi phức tạp liên quan. Doanh nghiệp khá khó khăn trong việc trả lời và đưa ra thống kê phù hợp”, ông Sưa thông tin.

Chật vật đáp ứng các điều kiện trong cuộc điều tra chống bán phá giá cá tra, song doanh  nghiệp vẫn nhật kết quả không mấy khả quan. Cuối tháng 4/2019, DOC công bố kết quả cuối cùng của lần xem xét thứ 14 thuế chống bán phá giá cá tra đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2016 - 31/7/2017. Mức thuế đợt này tăng cao hơn so với lần công bố kết quả sơ bộ hồi tháng 9/2018. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, thuế suất cao phi lý mà Mỹ áp đặt sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp bất lợi ở thị trường này.

Cụ thể, CTCP Thủy sản Hùng Vương (VHG) mức thuế phải chịu là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). NTSF Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg. Các doanh nghiệp khác khác là C.P Vietnam, CL-FISH, Green Farms Seafood và Vinh Quang Corp áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent/kg.

Theo Hiệp hội, mức thuế 3,87 USD/kg xấp xỉ bằng giá bán cá tra sang thị trường Mỹ. Đây là điều bất lợi khi cá tra không được Nhà nước hỗ trợ giá, nên mức thuế hợp lý phải là 0% cho tất cả doanh nghiệp. Trong thời gian tới, dự báo cá tra sẽ gặp khó khăn không chỉ ở Mỹ, mà nhiều thị trường khác, do thế giới có thêm nhiều nguồn cung mới.

Tin bài liên quan