Trốn bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp còn “trơ tráo”

Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) tăng mạnh, một phần do ngành BHXH chỉ được giao tổ chức thực hiện, chứ không được thanh tra hay xử phạt doanh nghiệp nợ.

Nợ đọng BHXH gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động

Vài năm trở lại đây, vin vào cớ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT ngày càng gia tăng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng trăm ngàn lao động.

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tính đến hết tháng 11/2013, tổng số nợ BHXH và BHYT trên cả nước là gần 10.600 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, nợ BHXH lên tới 7.750 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012. “Nguy hiểm hơn nữa là việc thu hồi nợ, dù cơ quan BHXH các địa phương đã dùng đến biện pháp quyết liệt nhất là khởi kiện doanh nghiệp có số nợ lớn hoặc nợ kéo dài ra tòa, nhưng vẫn không thu được nợ của doanh nghiệp”, ông Liệu lo ngại.

Ngoài một phần nhỏ doanh nghiệp chưa có khả năng hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động vì khó khăn thật sự, thì đa số doanh nghiệp nợ đọng BHXH còn lại cố tình chây ỳ.

Ông Liệu cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là ngành BHXH chỉ được giao tổ chức thực hiện, chứ không được thanh tra hay xử phạt doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT. Theo quy định, chức năng thanh tra, xử phạt thuộc thẩm quyền của ngành lao động và y tế. Tuy nhiên, cả Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ có hơn 300 cán bộ thanh tra, nên mỗi năm, ngành này chỉ thanh tra được khoảng 400 trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp trên cả nước. “Nếu cứ để ngành BHXH tổ chức thực hiện nhưng không có quyền thanh tra, xử phạt doanh nghiệp sai phạm, thì câu chuyện doanh nghiệp nợ BHXH sẽ không bao giờ xử lý được”, ông Liệu bức xúc.

Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc BHXH Việt Nam, chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Hơn nữa, việc chiếm dụng quỹ BHXH đơn giản hơn nhiều so với việc đi vay ngân hàng, như không cần giấy tờ, không cần thế chấp… Do đó, dù lãi suất ngân hàng đã giảm bằng với mức phạt chậm nộp BHXH, nhưng tình trạng chậm nộp vẫn gia tăng khi các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn có thể chiếm dụng tiền BHXH, BHYT lên tới cả chục tỷ đồng. Cuối tháng 8/2013, dù mức phạt chậm đóng BHXH đã tăng lên tối đa 75 triệu đồng, nhưng vẫn không đủ sức răn đe, bởi vẫn còn nhỏ so với lợi ích mà doanh nghiệp thu được từ việc trốn đóng.

Từ góc độ địa phương, bà Huỳnh Thị Mai Phương, Phó giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, tình trạng nợ đọng BHXH tại Hà Nội ngày càng gia tăng, từ 555 tỷ đồng năm 2010 lên gần 1.900 tỷ đồng chỉ tính đến hết tháng 6/2013. “Biện pháp mạnh nhất mà cơ quan BHXH có thể làm là khởi kiện doanh nghiệp ra tòa cũng đã được BHXH Hà Nội và nhiều địa phương thực hiện quyết liệt, nhưng tỷ lệ thu được nợ vẫn quá thấp”, bà Phương cho biết.

Từ đầu năm 2010 đến hết tháng 9/2013, BHXH Hà Nội đã khởi kiện ra tòa án 152 đơn vị, với tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện là hơn 187 tỷ đồng, nhưng dù thắng kiện, song số nợ thu về chỉ vỏn vẹn 43 tỷ đồng. Theo bà Phương, sau khi thắng kiện, một số doanh nghiệp thực sự khó khăn thì không còn tiền để nộp, còn lại đa số doanh nghiệp dù có tiền vẫn cố tình  không đóng.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang đề xuất ngoài việc tăng mức lãi chậm đóng BHXH lên gấp 2 hoặc 3 lần mức lãi của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH. Ngoài ra, trong Dự thảo Luật BHXH cần đưa hành vi cố tình nợ BHXH của chủ doanh nghiệp vào tội danh hình sự. Đây cũng là đề xuất mà phía BHXH Việt Nam đưa ra trong nhiều buổi họp về các biện pháp thu hồi nợ BHXH từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được thực hiện.

“Nếu luật chưa được sửa, tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, BHYT sẽ còn tiếp tục gia tăng”, ông Trần Đình Liệu lo ngại.

Tin bài liên quan