TPP có thể giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025

TPP có thể giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025

TPP dẫn tới tăng nhập siêu thời gian đầu

(ĐTCK)  Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi có hiệu lực rất có thể sẽ gia tăng nhập siêu của Việt Nam trong thời gian đầu, nhưng sau đó, khi sản xuất phát triển nhờ các động lực tăng trưởng từ Hiệp định, xu hướng này sẽ giảm đi.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi có hiệu lực rất có thể sẽ gia tăng nhập siêu của Việt Nam trong thời gian đầu, nhưng sau đó, khi sản xuất phát triển nhờ các động lực tăng trưởng từ Hiệp định, xu hướng này sẽ giảm đi. 

Đây là nhận định của nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Trưởng Đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và hiện nay là cố vấn cho đoàn đàm phán TPP.

“Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng không phải là xấu. Không nhất thiết xuất khẩu phải tăng nhanh hơn nhập khẩu trong thời gian đầu. Cơ hội cho xuất khẩu của ta là có, nhưng quan trọng là tận dụng được hay không. Cũng tương tự như khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ngay sau khi Việt Nam gia nhập tăng vọt lên hơn 60 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2006. Khi vốn đăng ký mạnh hơn, nhà đầu tư phải triển khai các dự án dẫn tới nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng lên, khiến nhập siêu tăng. Sau này, khi sản xuất phát triển, có sự dịch chuyển tốt thì tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên", ông Tuyển lý giải.

Phân tích cụ thể về xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, cơ hội cho lĩnh vực này là rất lớn. Ông Khánh cho biết, theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025 so với kịch bản không có TPP.

“Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada, giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam sẽ tạo ra cú hích lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng”, ông Khánh cho biết.

Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, tương tự lĩnh vực dệt may, các mặt hàng giày dép, nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Bên cạnh đó, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực.

Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ.

Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, thương mại hàng hóa cũng là lĩnh vực phải chịu sức ép lớn nhất từ TPP. Theo phân tích của ông Khánh, đối với một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà.

“Đây là những mặt hàng ta đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn, vì những sản phẩm này ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, đó là sản phẩm sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.

Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, ví dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, có cơ sở để cho rằng, sức ép cạnh tranh sẽ không quá lớn, vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp”, ông Khánh cho hay.

Bên cạnh đó, theo dự báo của Bộ Công thương, một số sản phẩm các nước TPP có sản xuất, thuế nhập khẩu của ta đang được duy trì ở mức cao, nhưng việc hạ thuế về 0% chủ yếu sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu là chính, không gây ra sức ép cạnh tranh, bao gồm: bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ nhà bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe mô-tô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.

Thứ trưởng Khánh cho biết, theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp, nhằm hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại. Dù dự báo là ngành gặp khó khăn lớn nhất, song nông nghiệp chăn nuôi còn khoảng 10 năm để thực hiện cơ cấu lại ngành, do đó vẫn có thời gian để chuẩn bị, thay đổi, thích ứng trước khi thuế nhập khẩu giảm về mức 0%.

Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu cũng là kéo giãn lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh.  

Tin bài liên quan