Tổng mức bán lẻ 6 tháng đạt mức cao nhất từ 2012

(ĐTCK) Theo số liệu báo của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.572.100 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%, đạt mức cao nhất so với mức tăng cùng kỳ từ năm 2012 trở lại đây.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng của khu vực kinh tế nhà nước đạt 174.300 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng số, tăng 12,1%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.345.700 tỷ đồng, chiếm 85,6%, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52.200 tỷ đồng, chiếm 3,3%, tăng 11,6%.

Xét theo ngành kinh doanh, bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.193.900 tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2014; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 182.100 tỷ đồng, chiếm 11,6% và tăng 5,9%; dịch vụ khác đạt 182.400 tỷ đồng, chiếm 11,6% và tăng 9,7%; du lịch lữ hành đạt 13.700 tỷ đồng, chiếm 0,9% và giảm 6,1%

Tính riêng tháng 6/2015, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 266.700 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo loại hình kinh tế, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước; kinh tế ngoài nhà nước đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 1,3%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng đạt 200.300 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng may mặc tăng 1,3% và tăng 14,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,2% và tăng 11,3%; phương tiện đi lại tăng 0,9% và tăng 10,7%; xăng dầu các loại tăng 0,7% và tăng 8,3%; lương thực, thực phẩm tăng 0,6% và tăng 26,1%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 6 đạt 32.900 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương có mức doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao so với cùng kỳ năm trước như TP. HCM tăng 33%, Hà Nội tăng 32%, Hà Tĩnh tăng 23%, Đà Nẵng tăng 21%, Khánh Hoà tăng 18%. Một số địa phương có mức doanh thu giảm là Kiên Giang giảm 24,6%, Phú Thọ giảm 6%, Quảng trị giảm 4,4%, Đồng Nai giảm 2,7%, Thừa Thiên Huế giảm 1,8%.

Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số địa phương có mức giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là Nghệ An giảm 38,9%, Đồng Nai giảm 37%, Long An giảm 36%, Bình Phước giảm 35%, Bến Tre giảm 35%.

Doanh thu dịch vụ khác trong tháng ước tính đạt 30.700 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước là TP. HCM tăng 15%, Quảng Ninh tăng 12,8%, Hà Nội tăng 7,6%, Nam Định tăng 6,2%.

Tin bài liên quan