Tình trạng loạn thu phí xuất nhập khẩu chưa hề giảm

(ĐTCK) Đánh giá về tình hình quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong hơn 1 năm qua từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án GIG cho rằng, nhìn chung kết quả vẫn rất hạn chế. Trong đó, riêng lĩnh vực kiểm dịch thực vật lại có sự gia tăng đột biến.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hội thảo về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong khuôn khổ Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (USAID GIG) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Mục đích của hội thảo là nhằm tập hợp các phản hồi từ doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc liên quan kiểm tra chuyên ngành, bao gồm làm rõ yêu cầu của các cơ quan quản lý, các biện pháp đơn giản hóa thủ tục về mặt quy trình và cấp giấy phép, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị quản lý…

Đánh giá về tình hình quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu trong hơn 1 năm qua từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, trong đó yêu cầu các Bộ ngành đẩy mạnh phối hợp hành động nhằm đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chuyển mạnh sang hậu kiểm với mục tiêu cắt giảm thời gian, chi phí cho các hoạt động thương mại qua biên giới, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án GIG cho rằng, nhìn chung kết quả vẫn rất hạn chế.

Trong đó, riêng lĩnh vực kiểm dịch thực vật lại có sự gia tăng đột biến.

Số liệu công bố tại hội thảo dẫn từ báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng và 4 địa phương lân cận) cho thấy, số lượng hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại Chi cục năm 2014 là 34.563 hồ sơ, 7 tháng đầu năm 2015 là 21.959 hồ sơ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Về thời gian, Trung tâm Tiêu chuẩn, đo lường chất lượng hàng hoá 3 (Quatest 3) cho biết, tại thời điểm này, thời gian hoàn thành kiểm tra chất lượng cho một lô hàng nhập khẩu là khoảng 13 ngày kể từ ngày đăng ký kiểm tra.

“Các số liệu trên cho thấy, về cơ bản, tình hình quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chưa được cải thiện hơn 1 năm qua. Quan sát các chuyển động sau Nghị quyết 19 cho thấy, mặt tích cực là tất cả các Bộ đều đã triển khai thực hiện nghị quyết này, tuy mức độ quyết liệt có khác nhau, nhưng nhìn chung, kết quả ghi nhận được là khá hạn chế”, ông Bình nhận xét.

Theo ông Bình, hiện trạng quản lý chuyên ngành như trên do còn nhiều vướng mắc, bất cập trong các quy định và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật. Trong đó, các vướng mắc chính vẫn liên quan tới bất cập về chính sách, pháp luật do có quá nhiều văn bản quy định, quy định tản mát, chồng chéo, không rõ ràng, đồng thời rất rất hay thay đổi khiến doanh nghiệp rất khó khăn trong việc áp dụng.

Bên cạnh đó, tình trạng này còn do Danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng, chưa rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau, các thủ tục liên quan như xin giấy phép, giấy chứng nhận, đăng ký kiểm tra, trả kết quả… chủ yếu là làm thủ công, thời gian cấp phép, kiểm tra dài, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý/kiểm tra.

Ngoài ra, vấn đề phí với việc tận thu hàng loạt các loại phí một cách bất hợp lý thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng gần đây vẫn đang nổi lên là vấn nạn hết sức nhức nhối khiến doanh nghiệp vô cùng bức xúc.

Tin bài liên quan