Tiết lộ lý do khoản lỗ 1.726 tỷ đồng của Grab tại Việt Nam

Tiết lộ lý do khoản lỗ 1.726 tỷ đồng của Grab tại Việt Nam

(ĐTCK) Tại phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng đang diễn ra tại TP.HCM, đại diện Viện kiểm soát tiết lộ Grab đã lỗ lũy kế 1.726 tỷ đồng, trên vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng.

Ngày 19/10 là ngày thứ 3 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của nguyên đơn là CTCP Ánh Dương Việt Nam (VINASUN) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi (nay đổi tên thành Grab).

Trong phần hỏi của đại diện Viện kiểm sát (VKS), ông Jerry Lim, CEO Grab cho biết, vốn điều lệ của công ty là 20 tỷ đồng và không thay đổi từ ngày đăng ký kinh doanh là tháng 2/2014.

Thời điểm chưa có Đề án 24, Grab kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ cho các doanh nghiệp taxi (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/1/2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” -  gọi tắt là Đề án 24).

VKS hỏi về ngành nghề kinh doanh mà Grab đăng ký ban đầu, Grab trả lời gồm ứng dụng máy tính, phát triển phầm mềm, chức năng kinh doanh vận tải và cho biết, thông thường, các công ty sẽ cố gắng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh.

VKS: “Nhưng trong đó có đăng ký kinh doanh vận tải trong TP.HCM”?

Đại diện Grab: “Có đăng ký nhưng chưa bao giờ sử dụng nên đã rút ra khỏi ngành nghề”.

VKS hỏi, Grab có tính đến việc lỗ hay không khi tham gia Đề án 24?.

Ông Jerry Lim trả lời: “Mục tiêu là đầu tư nền tảng kinh doanh kết nối nền tảng công nghệ 4.0. Để thị trường có thời gian hiểu về công nghệ này, cũng như khách hàng và đối tác hiểu chúng tôi sẵn sàng bỏ vốn đầu tư”.

 Tài xế Vinasun tại sân toà án 

VKS đề cấp đến việc Grab có vốn đầu tư là 20 tỷ đồng, nhưng tổng số lỗ lũy kế đến nay là 1.726 tỷ đồng. Trong đó, trên báo cáo tài chính, năm 2014, Grab đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng, lỗ 51,7 tỷ đồng. Năm 2015, Grab có doanh thu 33,7 tỷ đồng, lỗ 441,8 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu 193,6 tỷ đồng, báo lỗ 444,7 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu 758 tỷ đồng, lỗ 788 tỷ đồng.

Ông Jerry Lim trả lời: “Nếu cơ quan nhà nước cung cấp thì số liệu này tôi tin là đúng, không cần phải xác nhận. Mục tiêu tiên quyết của Grab là sẵn sàng đầu tư để thị trường hiểu và sử dụng công nghệ của chúng tôi”.

Ông giải thích thêm, lỗ của công ty hoàn toàn không đến từ tiếp thị khuyến mãi và quảng cáo, mà từ nhiều khoản bao gồm, chi phí cho việc bán hàng, chi phí thưởng cho tài xế, chi phí nghiên cứu và phát triển công nghệ của Grab. Đặc biệt, trong năm 2017, Grab chi phí cho khoản thưởng dành cho đối tác, lái xe là rất lớn. 

VKS hỏi: “Vậy công ty kinh doanh với mục đích gì”?

Ông Jerry Lim trả lời: “Mục đích là cung cấp công nghệ, dịch vụ công nghệ để từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân để công việc của họ hiệu quả dễ dàng hơn. Như các dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng, tài liệu. Grab dùng công nghệ để tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn, là thông điệp mà Grab muốn hướng đến. Đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải”.

Về hiệu quả kinh doanh, Grab trả lời trước VKS, nếu đã kinh doanh, các công ty đều có mục tiêu lợi nhuận, Grab cũng cam kết với các nhà đầu tư của mình. Đặc biệt là các nhà đầu tư lâu dài, Grab vừa nhận 3 tỷ USD vốn đầu tư. Nhìn vào con số doanh thu và lợi nhuận, dễ thấy tỷ lệ chênh lệch ở khoản lỗ và doanh thu đang giảm dần. Grab sẽ bắt đầu có lãi.

VKS hỏi: “Doanh thu tăng nhưng số lỗ cũng tăng, điều này có hợp lý”?

Đại diện Grab một lần nữa khẳng định khoảng cách giữa doanh thu và chi phí đang thu hẹp dần là điều tốt. Công ty phát triển bền vững sẽ cải thiện doanh thu và chi phí.

VKS hỏi tiếp, doanh thu và lỗ như thế có nằm trong chiến lược kinh doanh trước khi sang Việt Nam hay không?

Đại diện Grab trả lời, điều này hoàn toàn nằm trong suy đoán của Grab khi quyết định vào môi trường đầu tư mới.

“Khoản thuế mà chúng tôi ước tính sẽ đóng góp cho Chính phủ Việt Nam năm 2018 sẽ gấp 3 lần so với năm 2017”, đại diện Grab nói.  

Phía VINASUN cho biết, số lượng xe taxi chỉ bằng 1/6 – 1/8 số xe của Grab nhưng tổng thuế đóng năm 2017 là 271 tỷ đồng, chưa kể tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Còn theo thông tin Grab công bố tại tòa chiều ngày 19/10/2018, năm 2017, Grab đóng thuế 198 tỷ đồng.

Chiều ngày 19/10, tại phần tranh luận, luật sư phía Grab đã bác bỏ hoàn toàn giám định của 3 công ty giám định thiệt hại của VINASUN, đồng thời cho rằng, những vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 mà phía nguyên đơn cáo buộc là không có chứng cứ.

Luật sư của Grab cũng cho rằng, Đề án 24 cũng không phải là quy định được quy phạm pháp luật, Tòa không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có thể kiến nghị lên Bộ GTVT cho việc sửa đổi hoặc hủy bỏ. 

Tin bài liên quan