Tiếp sức về thuế cho doanh nghiệp, cách nào?

Tiếp sức về thuế cho doanh nghiệp, cách nào?

(ĐTCK) Tuy nhiều chính sách về thuế tiếp sức cho doanh nghiệp gần đây đã được ban hành, nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, vẫn cần thêm những giải pháp mới để tiếp sức cho doanh nghiệp, nhất là trong bối Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) đang cận kề, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có triển vọng sớm đi đến ký kết.

Nhiều thách thức

“Hiện trong khu vực Asean có khoảng 75% số dòng thuế nhập khẩu đã được cắt giảm xuống mức 0%. Việc gia nhập AEC đòi hỏi cắt giảm thuế quan nhanh hơn và rộng hơn. Theo đó, các dòng thuế đã cam kết trong AFTA sẽ về mức 0% sớm hơn mà không nhất thiết phải đợi đến năm 2018. Với những mặt hàng chưa có cam kết xoá bỏ thuế, thì nay cũng phải đưa vào cam kết cắt giảm...”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, cảnh báo về những thách thức mà các doanh nghiệp sắp phải đối mặt, tại Hội thảo: "Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năm 2015", do Tạp chí Tài chính tổ chức sáng nay (26/6).

Theo các chuyên gia, với việc cắt giảm thuế như trên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh gay gắt hơn với hàng nhập khẩu cùng loại được sản xuất từ các nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi nhiều khi thị trường xuất khẩu được mở rộng, việc bán hàng vào các nước thuộc AEC sẽ không bị áp thuế nhập khẩu...

Cắt giảm mạnh thủ tục hành chính

Theo các chuyên gia, việc ban hành các chính sách thuế tiếp sức cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nhưng làm thế nào để đưa các chính sách này vào cuộc sống, qua đó tiếp sức cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng không kém.

“Với ý nghĩa đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các luật về thuế đã được Quốc hội thông qua như: Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi… nhằm giúp doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách mới hiệu quả...”, ThS. Lê Minh Hương, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đề xuất và khuyến nghị thêm, các bộ, ngành, hiệp hội xây dựng cần tuyên truyền, tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ các cam kết trong các hiệp định thương mại, trong đó chú trọng tuyên truyền về lộ trình giảm thuế đối với các mặt hàng theo cam kết.

Việc triển khai thu thuế sao cho đơn giản, thiện tiện cho doanh nghiệp, cũng có ý nghĩa quan trọng trong tiếp sức cho doanh nghiệp. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào những bước đi cụ thể của Tổng cục Thuế trong việc cắt giảm tối đa thủ tục hành chính về thuế.

“Để số DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 90% trước 30/9/2015, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cục thuế và yêu cầu các cục thuế giao đến từng chi cục thuế nhiệm vụ nộp thuế điện tử...”, ông Phụng nói.

Ông Phụng cho biết thêm, Tổng cục Thuế đã rà soát 70 quy trình, quy chế (có 60 quy trình, quy chế hiện có và 10 quy trình, quy chế đang xây dựng mới lần đầu), trong đó có 30 quy trình, quy chế liên quan trực tiếp đến người nộp thuế. Qua rà soát, Tổng cục Thuế đang sửa đổi, bổ sung 17 quy trình, quy chế, phấn đấu sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế theo nội dung cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Tổng cục Thuế đặt mục tiêu việc thực hiện ứng dụng công nghệ ở cấp độ 4 đối với công tác hoàn thuế, tối thiểu đạt 60% số tờ khai và số tiền hoàn thuế trước 30/9/2015 và đạt 95% vào trước ngày 30/9/2016.

Tin bài liên quan