Thuật điều hành “dĩ bất biến, ứng vạn biến“

Thuật điều hành “dĩ bất biến, ứng vạn biến“

(ĐTCK) Điều hành doanh nghiệp trong môi trường biến đổi không ngừng, lãnh đạo các doanh nghiệp phải làm thế nào để đứng vững? Thuật điều hành “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đang trở thành kim chỉ nam giúp nhiều ông chủ vững lãi trong hành trình gây dựng và phát triển doanh nghiệp, gắn với các thương hiệu Việt Nam.

Linh hoạt chiến thuật

Trong khán phòng quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, câu chuyện về quản trị của ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Long Biên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Ông quan niệm làm giám đốc cũng là một nghề và đòi hỏi có kỹ năng để hành nghề. Kỹ năng ở đây theo ông nói, không chỉ là kỹ năng về quản trị mà cần phải có sự linh hoạt trong điều hành. Ông từng làm lãnh đạo một doanh nghiệp quân đội và rất nhạy bén trước các hợp đồng giao thương.

Ông kể, có lần một doanh nghiệp ở Venezuela đề nghị ký hợp đồng mua bán đồng với công ty ông với cam kết lợi nhuận lên tới 40%, tức bỏ 100 tỷ đồng để nhập khẩu đồng có thể lời 40 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận hấp dẫn trước mắt, nhưng vấn đề đặt ra, tại sao Venezuela lại bán đồng sang Việt Nam? Tại sao lợi nhuận lại cao khủng như vậy, có rủi ro gì về mặt khách hàng không? Tỉnh táo phân tích, ông đã từ chối ký hợp đồng và phi vụ bất thành ấy đã giúp công ty ông thoát được cái bẫy của khách hàng có ý định chiếm dụng vốn.

Ông Thuận chia sẻ, tiếc hợp đồng, tiếc khoản lợi nhuận lớn trên, một số người đã chung vốn để thực hiện và đã nhận trái đắng. Bài học ông rút ra là linh hoạt trong điều hành và nhận biết khách hàng rất quan trọng cho sự vững bước của Công ty.

Kinh tế thị trường luôn có những chuyển động và biến đổi không ngừng, thử thách tài năng và đòi hỏi các ông chủ doanh nghiệp phải có các biện pháp để thích nghi. Còn nhớ năm 2010, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest vừa khởi công dự án Văn Phú Victoria trong Khu đô thị Văn Phú thì thị trường bất động sản đóng băng. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản “nằm im bất động”, hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phá vỡ cam kết của khách hàng không bàn giao nhà đúng hẹn.

Những tưởng Văn Phú - Invest cũng lâm vào tình cảnh chung ấy khi gặp nhiều khó khăn và dừng dự án lại, nhưng công trường Khu đô thị Văn Phú vẫn náo nhiệt. Tiến độ xây dựng được đẩy nhanh như chưa hề có khủng hoảng xảy ra. Doanh nghiệp khác nhìn Văn Phú - Invest với ánh mắt tò mò và ngạc nhiên. Sự quyết tâm thúc đẩy dự án của người đứng đầu doanh nghiệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Văn Phú - Invest đã mang đến thành công khi dự án hoàn thành trong 3 năm, vừa đúng lúc thị trường hết khủng hoảng. Công ty ghi một mốc son trên thị trường nhờ cách làm táo bạo và khác biệt của người cầm lái.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình chia sẻ, có những thời điểm Công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tin đồn thất thiệt. Là người đứng đầu, ông lập tức lên tiếng để trấn an nhà đầu tư, giữ cho tình trạng giá cổ phiếu không lao dốc quá sâu. Cá nhân ông cũng có động thái đăng ký mua vào khi cổ phiếu HBC bị “đánh xuống”, nhằm hạn chế nguy cơ thâu tóm HBC.

Trên thương trường, doanh nhân này cũng nhiều lần phải “lao tâm khổ tứ” nhưng ông áp dụng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để duy trì sự tồn tại và phát triển của HBC. Có thời điểm, Công ty bị chủ đầu tư nợ nhiều vì họ không đủ khả năng chi trả, ông Hải quyết định đi vay ngân hàng, gánh nợ cho đối tác. Ông tâm niệm, “cứu người cũng như cứu mình”, giúp đối tác lúc khó khăn là việc nên làm và thực tế ông đã thường xuyên làm như thế để gieo tinh thần kinh doanh nhân văn đến đối tác và các thành viên Công ty.

Thay đổi chiến lược, khoảng 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp do ông Lê Viết Hải lãnh đạo đã đầu tư nhiều hơn cho những bước tiến chinh phục thị trường ngoài nước, hiện thực hóa giấc mơ “đem chuông đi đánh xứ người”. Ông chủ HBC chuẩn bị những chiến thuật bài bản, tìm hiểu rõ từng thị trường trước khi nhập cuộc và bước đầu ghi nhận những thành công, thắng thầu ở đấu trường quốc tế.

Trong một chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông chủ Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cho hay, Hòa Bình rất tự tin về chất lượng và giá cả để cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài. Ông cũng đã tìm hiểu kỹ về chiến lược vươn ra toàn cầu. Hòa Bình đang có mặt ở nhiều quốc gia tên tuổi như Malaysia, Myanmar và đang nghiên cứu tham gia thị trường ở Lào, Kuwait, thăm dò ở thị trường Úc, Canada và có nhiều lời mời tham gia với tư cách nhà thầu phụ ở Nhật, Qatar…

Chìa khóa để bước đi xa hơn

Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, từ thứ 82 lên thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, từ thứ 60 lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ và đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng lên, từ “ổn định” lên “tích cực”... Với doanh nghiệp, trong một môi trường kinh doanh đang dần trở nên tốt hơn, hoạt động cải thiện năng lực quản trị vẫn là vấn đề được quan tâm nhất.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Xếp hạng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, Việt Nam có thứ hạng thấp nhất về quản trị doanh nghiệp trong số 6 nước đang được xếp hạng trong khu vực ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Mới đây, khi doanh nghiệp cá tra gặp khó khăn trước tình trạng Mỹ nâng mức áp thuế chống bán phá giá, nhiều doanh nghiệp đã “ứng vạn biến” bằng cách tìm cửa đưa cá tra sang thị trường Trung Đông, Trung Quốc, EU. Cánh cửa này khép lại, sẽ tìm cánh cửa khác để mở  ra. Bản lĩnh và tài năng của người lãnh đạo là ở đó.

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế quốc tế. Nhiều quốc gia sử dụng hàng rào thuế quan để bảo vệ sản phẩm trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt đang và sẽ gặp bất lợi bên cạnh những cơ hội khám phá các thị trường mới. “Nếu biết cách làm win-win, tìm kiếm lợi ích cho hai bên, doanh nghiệp sẽ vẫn tìm được “cửa sống” cho mình”, ông Lộc chia sẻ.

Tìm kiếm sự khác biệt để nâng cao sức mạnh là vấn đề được doanh nghiệp chú trọng trong thời gian gần đây. “Trong kỷ nguyên công nghệ số, mọi thứ chúng ta đều biết như nhau thì vũ khí lợi hại nhất của mỗi doanh nghiệp là thấu hiểu rõ đối tác của mình và tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm nói riêng và công ty nói chung”, ông Teng Theng Dar, doanh nhân đến từ Singapore chia sẻ kinh nghiệm với doanh nhân Việt Nam.

Công ty cổ phần Thaco của ông chủ Trần Bá Dương đã thấu hiểu và áp dụng rất tốt điều này. Chiến lược khác biệt cũng là một trong 5 trụ cột chính yếu được Chủ tịch Thaco sử dụng trong hành trình gây dựng thương hiệu Thaco có được như ngày hôm nay và được mệnh danh là “Vua ô tô Việt”. Cùng với đó là các trụ cột về triết lý giá trị, quản trị đặc thù, nhân sự phù hợp và xây dựng môi trường làm việc tốt.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, ông Trần Bá Dương nhấn mạnh, quản trị đặc thù kết hợp tạo lợi thế với chuyên biệt, thay đổi cấu trúc phát triển phù hợp với quy mô từng giai đoạn một cách linh hoạt và hiệu quả đã giúp Công ty vững bước thành công. Cá nhân ông Dương cũng vừa ghi danh tỷ phú đô la Việt Nam, do Tạp chí Fober bình chọn.

Để nâng cao năng lực và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, vấn đề cần quan tâm đầu tiên vẫn là chất lượng quản trị. Theo Chủ tịch VCCI: “Quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là một hướng đi cấp thiết. Điều này giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

Tin bài liên quan