Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp: Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp: Nhiều vấn đề “nóng” được đề cập

(ĐTCK) Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2014, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức diễn ra (sáng 28/4).

DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng

“Đội thuyền thúng DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề...”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, ví von, đồng thời cho biết thêm, hiện Việt Nam có trên 500.000 DN, trong đó có trên 3.000 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), gần 8.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại 97-98% là DN dân doanh… Hiện DN dân doanh đang đứng trước một giai đoạn rất khó khăn.

Sự khó khăn của DN càng rõ hơn qua những dữ liệu mà Thứ trưởng Bộ Kế Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ tại Hội nghị. Theo đó, số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm 2012 và tăng 12,5% so với năm 2011. Số DN gặp nhiều khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều cho thấy, những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn 2011-2012 đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2014, cả nước có hơn 18.000 DN đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 98.000 tỷ đồng, tăng khoảng 17% về số DN và gần 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Cũng trong quý I/2014, vẫn còn gần 17.000 DN gặp khó khăn phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng gần 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn, phục hồi tăng trưởng ở mức thấp và thiếu bền vững.

Về tỷ trọng trong cơ cấu GDP, DN ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất, ở mức 48-49% tổng GDP toàn xã hội trong giai đoạn 2009-2012. Tỷ trọng của khu vực DNNN đứng thứ hai, nhưng đang có xu hướng giảm dần theo chương trình cổ phần hóa của Chính phủ.

“Nóng mặt” với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội

Tại Hội nghị, ông Alain Candy, đồng chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), đồng thời là Chủ tịch một tập đoàn đang triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký 350 triệu USD phản ánh về những khó khăn về thủ tục hành chính mà DN đang phải đối mặt.

Theo đó, tập đoàn này có một công ty con là Công ty TNHH Pizza Việt Nam, với sản phẩm chính là Pizza Hut  được cấp phép hoạt động từ năm 2005. Sau khi thành công trong mở 30 nhà hàng đồ ăn nhanh tại Việt Nam, với thủ tục kinh doanh khá thuận lợi, thì bất ngờ gần đây, Công ty gặp khó khi tiến hành xin cấp phép hoạt động cho thêm 2 nhà hàng mới. Công ty phải mất 14 tháng và phải nhờ sự can thiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương mới hoàn tất thủ tục mở mới thêm 2 nhà hàng mới, trong khi thời điểm mở 30 nhà hàng trước đây, thời gian xin cấp phép kinh doanh chỉ mất 2 tuần. Tình trạng bị “làm khó” này tiếp tục tái diễn khi vào tháng 2/2014, Công ty bị gây khó dễ khi xin giấy phép mở thêm 3 nhà hàng mới.

“Sau khi cung cấp các loại giấy tờ theo yêu cầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nhưng Công ty vẫn không được cấp phép, do cơ quan nay tiếp tục yêu cầu Công ty bổ sung thêm các loại giấy tờ, mặc dù đây là những giấy tờ Công ty đã cung cấp cách đây 14 tháng. Thực tế này cho thấy, các DN đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính trong quá trình kinh doanh...”, ông Alain Candy nói.

Kiến nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để tháo gỡ khó khăn cho DN dân doanh, Chủ tịch VCCI đề nghị Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ có các chương trình trợ giúp DN nhỏ và vừa. Đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập DN xuống 20% với DN lớn và 18% với DN nhỏ và vừa…

“Để giảm thiểu rủi ro cho DN, cần đảm bảo tính đoán định trước của các khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh, cũng như đảm bảo tính rõ ràng trong ban hành và thực thi các chính sách…”, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói và đề xuất thêm, cũng cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong cơ chế chịu trách nhiệm của các DN, cũng như hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước khi tuân thủ pháp luật, tránh tình trạng DN bị xử ép…

Sau khi lắng nghe ý kiến trực diện từ cộng đồng DN, theo kế hoạch, cuối giờ chiều nay (28/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa ra những thông điệp cụ thể về định hướng hỗ trợ DN, nhất là khu vực DN dân doanh phát triển trong thời gian tới. Cộng đồng DN kỳ vọng, những thông điệp của Thủ tướng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cộng đồng DN vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Tin bài liên quan