Nguồn cung thiếu hụt là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn tăng cao. Quý 1/2020, sản lượng thịt cung ứng ra thị trường giảm 20% so với cùng kỳ.

Nguồn cung thiếu hụt là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn tăng cao. Quý 1/2020, sản lượng thịt cung ứng ra thị trường giảm 20% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Doanh nghiệp, thương lái khó mua được lợn hơi với giá 70.000 đồng/kg của CP

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giá bán lợn hơi trung bình của Công ty CP năm 2018 là 43.400 đồng/kg và năm 2019 là 45.800 đồng/kg và hai tháng đầu năm 2020 là 77.000 đồng/kg, khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, doanh nghiệp cam kết hạ xuống 70.000 đồng/kg nhưng thực tế, thương lái khó mua được giá 70.000 đồng/kg, nếu mua được thì số lượng ít.

Giá thịt lợn bị đẩy tăng cao trong suốt thời gian từ nửa cuối năm 2019 và hiện nay vẫn chưa hạ nhiệt, lên đến hơn 200.000, thậm chí gần 300.000 đ/kg thịt lợn thành phẩm, dù Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp nhập khẩu thịt lợn để hạ nhiệt nguồn cung.

Nguồn cung thiếu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian vừa qua, việc giá lợn cao, nguyên nhân chính là do quy luật cung cầu, mà ở đây là nguồn cung thiếu. Trước hết,  nguyên nhân khách quan do dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc, kể cả sau khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản được khắc phục. Thứ hai, trên toàn quốc còn nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi lợn chưa yên tâm khi tái đàn.

Vừa qua, khi làm việc với Đoàn kiểm tra Công ty CP cung cấp thông tin: giá bán lợn hơi trung bình của Công ty năm 2018 là 43.400 đồng/kg và năm 2019 là 45.800 đồng/kg và hai tháng đầu năm 2020 là 77.000 đồng/kg. Giai đoạn tăng mạnh nhất là giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trong khi đó biến động chi phí đầu vào sản xuât của Công ty CP không lớn.

Như vậy việc tăng gia bán lợn hơi của Công ty CP là chưa hợp lý so với chi phí sản xuất. Khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, doanh nghiệp có cam kết hạ xuống 70.000 đồng/kg nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp, thương lái khó mua được giá 70.000 đồng/kg, nếu mua được thì số lượng ít.

Trong khi đó, nguyên tắc quản lý giá của Nhà nước là ngoài các mặt hàng do Nhà nước quản lý thuộc Danh mục bỉnh ổn giá theo quy định tại Luật giá thì các mặt hàng còn lại, trong đó có mặt hàng thịt lợn, được lưu thông theo nguyên tắc thị trường (cạnh tranh theo quy luật cung cầu, giá cả do thị trường quyêt định…).

Nhà nước không tham gia quản lý trực tiếp vào quá trình mua bán trên thị trường, chỉ điều tiết thị trường thông qua các quy định, cơ chế, chính sách chung mang tính định hướng. 

Điều này ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thậm chí ảnh hưởng cả đến việc cân đối nền kinh tế. Về vi mô, giá lợn cao ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên người dân đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hiện nay người dân vẫn có thói quen dùng nhiều thịt lợn trong bữa ăn. Kể cả trong thời điểm này, dù thịt gia cầm đang rẻ, nhưng người dân vẫn dùng nhiều thịt lợn do thói quen tiêu dùng và thịt lợn chế biến được nhiều món ăn hợp khẩu vị người Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng đàn lợn năm 2019 so với năm 2018 giảm 21%, nhưng theo báo cáo từ một số địa phương và doanh nghiệp chăn nuôi lớn, sản lượng lợn tại một số địa phương có thể giảm đến 50%. Ước tổng lượng thịt lợn trong nước cung ứng ra thị trường trong quý I/2020 giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhập khẩu mới đạt 45.000 tấn

Hiện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này đang gặp nhiều khó khăn nhất là trong việc tái đàn lợn. Vì vậy, nguồn cung đã thiếu lại càng thiếu.

Giải pháp tăng nguồn cung thịt lợn trong bối cảnh hiện nay là cần tập trung việc tái đàn, phục hồi ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn toàn quốc.

Cách thứ hai để tăng nguồn cung là phải nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn thị trường. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo giá đã yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan, doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2020, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng thịt lợn được nhập khẩu mới đạt khoảng 45.000 tấn, vẫn còn thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ đã giao.

Hiện có khoảng 15 - 20 doanh nghiệp có thị phần lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, chiếm khoảng 35% thị phần thịt lợn cung cấp ra thị trường.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Đoàn liên ngành kiểm tra doanh nghiệp chăn nuôi có thị phần lớn về việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh gian lận thương mại. Kết quả sơ bộ cho thấy, không có doanh nghiệp chăn nuôi nào được xác định là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường do có thị phần từ 30% trở lên tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, có cơ sở để xác định Công ty CP là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, là doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt thị trường. (Công ty CP của Thái Lan có thị phần lớn nhất, chiếm đến gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,71%), gấp hơn 15 lần thị phần của Công ty DABACO đứng thứ ba (chiếm 1,34 %), gấp 6 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Công ty CJ của Hàn Quốc (chiếm 3,39%)…

Hiện nay, các cơ quan như Bộ Công Thương đang tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường mặt hàng thịt lợn, xử lý giám sát chặt chẽ việc đầu cơ tích trữ, thu mua, buôn bán vận chuyển lợn trái phép, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm tra yếu tố hình thành giá mặt hàng lợn hơi tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, việc chấp hành theo qui định trong lĩnh vực quản lý giá, thuế, phí…

Tin bài liên quan