Nhà nước cần nắm chắc tình hình và có những đối sách kịp thời, phù hợp; doanh nghiệp cần bám sát sự biến động của thị trường để thích nghi, vượt qua khó khăn, thách thức.

Nhà nước cần nắm chắc tình hình và có những đối sách kịp thời, phù hợp; doanh nghiệp cần bám sát sự biến động của thị trường để thích nghi, vượt qua khó khăn, thách thức.

Thông đường cho doanh nghiệp Việt đi tới

(ĐTCK) Năm 2018 qua đi với những điểm sáng mới về kinh tế, nhờ sự đột phá trong tư duy và chính sách. Một không khí cởi mở, thông thoáng đang lan toả. Tuy nhiên, cải cách còn rất nhiều việc phải làm để khai thông mọi trở ngại, tạo mặt phẳng rộng rãi cho con đường phát triển của doanh nghiệp. 

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tái cơ cấu kinh tế triển khai thực chất hơn. Cải cách có bước tiến mới, nhất là về môi trường kinh doanh. Nhưng khó khăn, thách thức nhiều và gay gắt hơn, đặc biệt bối cảnh quốc tế xáo trộn gắn với tình hình căng thẳng Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ, biệt lập và chủ nghĩa dân tộc theo hướng cực đoan trỗi dậy - ngược với toàn cầu hoá, tự do hoá và liên kết đa phương…

 TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tình hình đó đặt kinh tế Việt Nam vào khung cảnh phải tiếp tục trụ vững và vượt lên rất quyết liệt. Để vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững, hai yếu tố quan trọng nhất là Nhà nước và doanh nghiệp sẽ hành xử thế nào; Nhà nước, Chính phủ làm gì để khai thông mọi trở ngại, tạo mặt phẳng thông thoáng, rộng rãi hơn cho con đường phát triển của doanh nghiệp.

Vấn đề rất nhiều, cần tập trung và có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn. Xin nêu ra đây để xem xét, thảo luận một số vấn đề và giải pháp đó.

Cách tiếp cận từ tư duy vẫn là điểm khởi đầu

Hai năm qua đã đánh dấu sự đột phá về tư duy và chính sách mới về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tư nhân, bằng Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII được ban hành và triển khai thực hiện. Chính phủ liên tiếp có nghị quyết về đổi mới môi trường kinh doanh (Nghị quyết 19) và tạo điều kiện cho doanh nghiệp (Nghị quyết 35). Đó là sự kiến tạo rất đáng ghi nhận.

Các diễn đàn, cuộc gặp lớn về lĩnh vực này giữa Chính phủ - doanh nghiệp - cơ quan quản lý - giới chuyên gia - truyền thông sôi động chưa từng có, đặt ra nhiều vấn đề và giải pháp, được bàn thảo và đồng thuận cao. Một không khí cởi mở, thông thoáng đang lan toả.

Trong năm 2018, tính đến hết tháng 11 đã có 153.100 doanh nghiệp mới tham gia thị trường, số vốn đăng ký mới và bổ sung lên đến hơn 3,4 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đóng góp trên 40% vào tăng trưởng GDP. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra đời như một công cụ quản lý mới đầy trọng trách để thúc đẩy cổ phần hoá, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Cải cách còn được thúc đẩy bởi việc Quốc hội thông qua 16 luật mới và Luật sửa đổi các luật đã ban hành, Chính phủ ban hành 143 nghị định có liên quan đến thể chế kinh tế, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật khác, là con số nhiều nhất từ trước đến nay, tạo thêm động lực và cả áp lực để cải cách.

Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc đến thể chế, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ đối với cải cách thể chế. Doanh nghiệp và người dân trông chờ rất nhiều vào cải cách. Trong mọi diễn đàn đều thấy rõ ý kiến mạnh mẽ của doanh nghiệp yêu cầu và mong đợi ở cải cách, không chỉ trên giấy tờ mà là trong thực tiễn.

Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới có đánh giá tích cực về công cuộc cải cách của Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng là một dấu ấn quan trọng trong việc Việt Nam hội nhập và tham gia công cuộc cải cách định chế quản trị khu vực. Đó chính là thể hiện tư duy mới và đột phá về chính sách, về chỉ đạo điều hành kinh tế.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Vẫn còn không ít hạn chế trong thực tiễn hoạt động của cả Nhà nước và doanh nghiệp. So với nhiều nước, tốc độ cải cách của Việt Nam còn chậm, năm 2018 tụt 3 bậc trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Điều đó cho thấy, cải cách còn rất nhiều việc phải làm.

Để làm cơ sở cho mọi chính sách và chỉ đạo điều hành kinh tế, hệ thống bộ máy Nhà nước cần thấu suốt hơn nữa các quan điểm cơ bản của Đảng đã nêu trong các nghị quyết Trung ương về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và về doanh nghiệp.

Trong đó, đặc biệt quan tâm về chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, tập trung hơn nữa vào việc kiến tạo thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia và hoạt động hiệu quả trên thị trường.

Theo đó, Nhà nước không can thiệp, nhất là bằng biện pháp hành chính không cần thiết, không đúng quy định vào các hoạt động của doanh nghiệp. Loại bỏ mọi việc gây phiền hà, rắc rối, phức tạp, thiệt hại cho doanh nghiệp; trái lại, cần tiết giảm chi phí, thời gian thực hiện các thủ tục cho doanh nghiệp. Thực hiện chế tài nghiêm, kịp thời, công khai đối với mọi vi phạm của cán bộ, công chức.

Về việc sắp xếp, đổi mới bộ máy quản lý, sàng lọc nhân sự, thực tế có nhiều khó khăn, nhưng cần theo thực tế công việc làm tốt hoặc không tốt, làm nhanh hay chậm, chất lượng ra sao mà đánh giá, xử lý. Trong bộ máy nhà nước có những nguyên tắc, quy định, quy trình chặt chẽ, dân chủ, tập thể..., nên nhiều khi chậm chạp. Nhưng chậm trễ dẫn đến trì trệ thì không thể chấp nhận. Ở đây, cần có sự quyết liệt, cách mạng thật sự.

Nên xem cách làm của khu vực tư nhân và bộ máy của các quốc gia có kinh tế thị trường hiện đại thường nhanh gọn, dứt khoát hơn khi xử lý các vấn đề về quản lý, quản trị để so sánh tham chiếu. Đây có thể là phương cách tốt để chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”, tức cấp trung gian thực thi kém hiệu quả.

Động lực làm việc của cán bộ, công chức phải đến từ áp lực tín nhiệm, hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cũng như sự thay thế, kỷ luật, kỷ cương của bộ máy, chứ không thể có động lực từ lợi ích riêng như các khoản phí “bôi trơn”. Cần tinh giản mạnh bộ máy để có chất lượng hiệu quả hơn, đồng thời có thêm khả năng tăng lương cho cán bộ, công chức. 

Vận dụng công nghệ 4.0

Một hướng giải pháp rất tốt, hiệu quả để nói ít làm nhiều, nói là làm, ngoài việc tái cơ cấu bộ máy nói trên, cần nhanh chóng vận dụng công nghệ 4.0 để con người và bộ máy trở thành con người 4.0, bộ máy 4.0.

Trước hết, Chính phủ và chính quyền các cấp cần dốc sức thực hiện chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Có thể xem đây là khâu đột phá từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Việc này giúp tăng tính công khai, minh bạch, gia tăng trách nhiệm công vụ và kiểm tra, kiểm soát, giải trình tốt hơn, sẽ bớt vòng vo, giấy tờ, quan liêu, nhũng nhiễu.

Thiết nghĩ, không có gì hiệu quả hơn là đầu tư vào đây, dù cái khó nhất là đào tạo và sử dụng nhân lực. Nhưng cái khó này sẽ vượt qua nếu nhận thức được đầy đủ và quyết tâm cao, trước hết từ người đứng đầu ở mọi cấp. Kể cả việc hoạch định chính sách, pháp luật mà vận dụng được công nghệ 4.0 cũng sẽ nhanh chóng và chất lượng hơn nhiều. Việc đánh giá kết quả và hiệu quả quản lý sẽ nhanh và rõ, chính xác hơn.

Cần tranh thủ thời gian để làm mọi việc nhanh hơn, chất lượng, hiệu quả hơn bằng những giải pháp này, hy vọng sẽ là một điểm nhấn mới cho năm 2019.

Bối cảnh thế giới năm 2019 dự báo có những diễn biến phức tạp hơn, tác động mạnh hơn tới kinh tế Việt Nam theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Dù tích cực cũng phải kinh qua sự vươn lên bằng nội lực, trước hết là nội lực của doanh nghiệp. Cùng với việc Nhà nước nắm chắc tình hình và có những đối sách kịp thời, phù hợp, doanh nghiệp cần bám sát sự biến động của thị trường để thích nghi, vượt qua khó khăn, thách thức.

Sự tỉnh táo, quyết tâm, sáng tạo, kết nối và đồng bộ sẽ chuyển khó khăn, thách thức thành thuận lợi, cơ hội, tạo được sức bật mới. Kinh tế là cuộc chơi đấu trí, đấu lực, cạnh tranh khốc liệt, nhưng thành quả sẽ to lớn và thật sự xứng đáng với những nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua sóng gió, vững bước đi tới thành công.

Tin bài liên quan