Doanh thu bán hàng online tăng trưởng mạnh
7 tháng đầu năm 2019, CTCP Thế giới di động (MWG) đạt 8.266 tỷ đồng doanh thu từ kênh online, chiếm 14% cơ cấu doanh thu toàn hệ thống và tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 7 tháng, MWG thu về 60.929 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 2.411 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận năm 2019, tăng trưởng lần lượt 18% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - FRT), doanh thu bán lẻ online tăng mạnh cũng là một trong những động lực giúp lợi nhuận bán niên năm 2019 tăng đột biến.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 7.842 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 171 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 5,3% và 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo FPT Retail, doanh thu từ bán hàng online tăng trưởng 41%, đạt 1.649 tỷ đồng trong 6 tháng năm nay.
Tại Tập đoàn Novaon, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ tăng lên 5,3 lần trong 7 năm tới, từ mức 2,8 tỷ USD năm 2018 dự tính lên 15 tỷ USD năm 2025 (theo báo cáo của Google và Temasek).
Theo dự báo này, thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, trên 43%/năm. Cùng với việc tăng quy mô thị trường, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên tổng doanh thu bán lẻ cũng sẽ tăng từ 3% năm 2018 lên hơn 10% năm 2025. Doanh nghiệp bán lẻ đang tăng tốc mạnh mẽ cùng xu hướng phát triển của thương mại điện tử.
Doanh nghiệp cần tận dụng sự trỗi dậy của thương mại điện tử
MWG cho biết, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược kiểm soát chênh lệch giá bán online, offline để khai thác tối ưu mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel). Ðối với các khách hàng hướng đến giá rẻ, MWG sẽ có chiến lược riêng để phục vụ hiệu quả nhóm này.
Bà Pearl Nguyễn, Quản lý đối tác của Google tại Việt Nam đánh giá, ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng hình thức mua sắm online. Trung bình một năm có 3,2 triệu người Việt Nam chọn hình thức mua sắm online.
Xu hướng này được thể hiện rõ dựa trên khối lượng các từ khóa tìm kiếm mua sắm trên các trang thương mại điện tử tăng 8 lần trong 3 năm. Thương mại điện tử đang tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cả doanh nghiệp lớn, nhỏ hay doanh nghiệp mới khởi đầu.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể có cơ hội cạnh tranh với các tập đoàn lớn khi biết dựa vào sức mạnh của thương mại điện tử. Như Jack Ma từng nhận định, thương mại điện tử là thời đại của doanh nghiệp nhỏ và vừa", bà Pearl Nguyễn nói.
Tận dụng sự trỗi dậy của thương mại điện tử, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tìm đến các giải pháp để tạo ra đơn hàng nhanh hơn trên các kênh bán hàng online, gia tăng doanh số và lợi nhuận.
Mới đây, trong buổi giới thiệu ứng dụng Onshop cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp bước vào kinh doanh trên Internet, người viết chứng kiến sự kỳ vọng của hàng trăm doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội tăng trưởng nhờ bán hàng online.
“Hiện đang có 1 tỷ người sử dụng dịch vụ của Google. Thậm chí, không chỉ sử dụng mà sống trên môi trường online”, ông Matthew Heller, Tổng Giám đốc quản lý đối tác cấp cao Google Ấn Ðộ và Ðông Nam Á chia sẻ.
Vị này cho rằng, những người làm chủ doanh nghiệp bất kể ở cấp độ nào cũng phải có kênh tiếp cận khách hàng thông qua những sản phẩm, công cụ.
Tuy nhiên, trong cơ hội luôn có thách thức. Nhiều doanh nghiệp chưa biết tận dụng sự bùng nổ của thương mại điện tử ra sao, quản lý bán hàng thế nào hiệu quả, xây dựng thương hiệu, quản trị…
Doanh nghiệp cần phải lựa chọn giải pháp phù hợp để tăng trưởng đúng với kỳ vọng trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ðối với thị trường Việt Nam, các chuyên gia của Tập đoàn Euromonitor International cho rằng, bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và chứng kiến sự mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần của các doanh nghiệp lớn thông qua các hoạt động thâu tóm công ty nhỏ hơn.
Trong đó, doanh thu bán lẻ từ kênh online tiếp tục gia tăng. Các doanh nghiệp cần tận dụng xu thế này để mở rộng tăng trưởng doanh thu và thị phần.