Thị trường hàng không cá nhân sôi động trở lại

Thị trường hàng không cá nhân sôi động trở lại

Đã có một thời gian, phân khúc máy bay cá nhân bị mất vị thế sau những năm tháng tăng trưởng rực rỡ hồi thập niên 1990. Gần đây, thị trường hàng không cá nhân đang chứng kiến nhiều tín hiệu khả quan khi nhu cầu về máy bay cá nhân có xu hướng tăng trở lại.

3 yếu tố quan trọng giúp phân khúc sản phẩm có giá trị cao hàng đầu này hồi phục là sự gia tăng của tầng lớp giàu có tại các quốc gia phát triển, những quy định quản lý về sở hữu và sử dụng máy bay cá nhân được nới lỏng cùng sự xuất hiện của những dòng máy bay mới với giá cả hợp lý, nổi bật là Embraer Legacy 500, Bombardier Challenger 300, Cessna Citation Sovereign hay Gulfstream G280…

Mẫu máy bay tầm trung Embraer Legacy 500 là chiếc phi cơ cá nhân mới nhất của thương hiệu Embraer (Brazil) – một trong những nhà sản xuất lớn chuyên về các loại máy bay thương mại, cá nhân và quân đội. Nếu như các mẫu máy bay thương mại của họ được các hãng hàng không giá rẻ ưa chuộng thì dòng máy bay cá nhân mang thương hiệu này cũng có sức hấp dẫn lớn về độ sang trọng.

Thị trường hàng không cá nhân sôi động trở lại ảnh 1

Diễn viên Thành Long bên chiếc máy bay tầm trung Embraer Legacy 500 

Từ đầu năm 2016, Legacy 500 làm thị trường nóng lên khi có đại sứ thương hiệu là siêu sao điện ảnh Thành Long. Trước đó, diễn viên này đã sở hữu một chiếc Legacy 650 có kích thước lớn hơn, phù hợp cho những chuyến bay xuyên đại dương.

Legacy 500 có tầm bay đạt hơn 5.792km, chở được tới 12 khách dù khoang khách chỉ có 8 ghế ngồi để đảm bảo tiêu chuẩn tiện nghi cao cấp. Sức mạnh nổi bật của Legacy 500 đến từ cặp động cơ phản lực cánh quạt Honeywell HTF75000E với sức đẩy lên đến hơn 15.400kg mỗi bên, giúp máy bay đạt tốc độ bằng 0,83 lần của tốc độ âm thanh và độ cao hơn 13km.

Bên trong khoang khách có hệ thống điều áp để duy trì áp suất ở mức 1.800km, cung cấp lượng oxy nhiều hơn so với mức 2.400km trên các máy bay thương mại. Sàn khoang khách cũng được thiết kế tạo sự rộng thoáng hơn về lối đi so với các mẫu máy bay cùng phân khúc.

Đặc biệt hơn, Legacy 500 là mẫu máy bay cá nhân tầm trung duy nhất có hẳn một phòng tắm tiện nghi, chưa kể những thiết bị công nghệ hiện đại khác như các màn hình chạm cá nhân, các hệ thống điều khiển thông qua iPhone hay iPad, hệ thống giải trí cao cấp, kết nối wifi tốc độ cao…

Được giới thiệu ra thị trường từ năm 2014, giá bán của Legacy 500 khoảng 20 triệu USD. Năm ngoái, thương hiệu Embraer đã bị tụt giảm nhẹ về doanh số nhưng năm nay, với thành công bước đầu trong việc thâm nhập vào thị trường có tiềm năng khổng lồ là Trung Quốc, người ta dự đoán trong vòng 10 năm tới sẽ bán được 570 chiếc máy bay cá nhân cho giới tỷ phú người Hoa, đạt doanh thu khoảng 22 tỷ USD.

Do nhu cầu về máy bay cá nhân trên toàn thế giới đang tăng, nhà sản xuất này kỳ vọng từ nay đến năm 2026 có thể bán được 8.400 chiếc máy bay cá nhân mới.

Thị trường hàng không cá nhân sôi động trở lại ảnh 2

 Máy bay Cessna Citation Sovereign

Đối thủ có lẽ đáng gờm nhất của Embraer Legacy 500 là thế hệ mới của Cessna Citation Sovereign – máy bay được trang bị động cơ đôi, ra mắt thị trường năm 2013 với những cải tiến đáng kể về động cơ so với phiên bản trước đó, đồng thời khoang khách được thiết kế mới hoàn toàn.

Không có diện tích khoang khách rộng nhất, không bay nhanh nhất, cũng không đạt tầm bay xa nhất trong phân khúc nhưng điểm nổi bật của mẫu máy bay này chính là khả năng có thể đáp xuống những sân bay nhỏ với những đường băng ngắn một cách an toàn. Bên cạnh đó, khoảng cách đáp của Cessna Citation Sovereign ở trạng thái trọng lượng đạt mức tối đa cũng là một ưu điểm nổi trội khác vì chỉ cần độ dài giảm tốc khoảng 795m là có thể dừng lại hoàn toàn.

Bên trong máy bay cũng khá hiện đại với không gian rộng rãi dành cho lối đi, hệ thống quản lý khoang khách ClairityTM đi cùng hệ thống kết nối internet luôn duy trì tốc độ ổn định để phục vụ hành khách. Động cơ PW306D giúp Cessna Citation Sovereign đạt độ dài đường bay tối đa 5.556km, tốc độ tối đa 848km/h. Mẫu máy bay cá nhân tầm trung này được rao bán với giá 18,2 triệu USD.

Thị trường hàng không cá nhân sôi động trở lại ảnh 3

 Nội thất bên trong máy bay Gulfstream G280

Nhỉnh hơn về mặt kỹ thuật, Gulfstream G280 và Bombardier Challenger 300 là 2 mẫu siêu tầm trung cạnh tranh trực tiếp với Embraer Legacy 500 và Cessna Citation Sovereign.

Bên cạnh sự nổi trội về các thông số kỹ thuật, tiết kiệm nhiên liệu cũng là một trong những điểm cạnh tranh giữa các sản phẩm này. Có độ dài đường bay liên tục đến 6.667km với độ cao tối đa 13,5km cùng khả năng duy trì tốc độ đạt ngưỡng Mach 0.80, Gulfstream G280 là chiếc máy bay cá nhân duy nhất có thể bay liên tục từ London đến New York.

Không gian nội thất rộng rãi, hiện đại và đầy đủ tiện nghi với 10 ghế ngồi hay 5 giường nằm, 19 ô cửa sổ. Nhờ áp suất khoang khách thấp, hành khách luôn được hưởng bầu không khí trong lành 100% cho dù đang ở bất cứ độ cao nào. Hệ thống giải trí là DVD Dula Blu-ray cao cấp cùng hệ thống màn hình cảm ứng.

Đặc biệt, Gulfstream G280 tạo được sự đột phá khi có hẳn một hệ thống phanh và giảm tốc tự động để hỗ trợ một cách hiệu quả cho phi công trong lúc xử lý tình huống khẩn cấp.

Không chỉ tập trung vào kỹ thuật, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cả máy bay và tàu hỏa của Canada còn tạo cho chiếc Bombardier Challenger 300 nhiều yếu tố thách thức các đối thủ kể trên. Sở hữu độ dài đường bay liên tục lên đến 5.646km và đạt tốc độ bay bằng lên đến Mach 0.80, chiếc máy bay này có thể cất cánh nhanh chóng lên mức 1.443km và tiếp tục bay đến độ cao 11,1km chỉ trong 14 phút.

Có thời gian phục vụ hơn 10.000 giờ bay, lại dễ sử dụng và tiết kiệm chi phí vận hành nên Challenger 300 luôn có sức hấp dẫn cao đối với mọi khách hàng.

Cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và cả với loại hình dịch vụ hàng không thương mại sẽ góp phần tạo nên một bước phát triển mới cho phân khúc sản phẩm cao cấp này trong tương lai gần khi nhu cầu về phương tiện di chuyển cá nhân trên không ngày một phổ biến hơn.

Tin bài liên quan