Tập đoàn Auchan của Pháp có kế hoạch mở 20 siêu thị tại Hà Nội (Ảnh: Hải Yến)

Tập đoàn Auchan của Pháp có kế hoạch mở 20 siêu thị tại Hà Nội (Ảnh: Hải Yến)

Thị trường bán lẻ miền Bắc: Sóng mới

(ĐTCK) Công ty cổ phần Thế giới Di động dự định nâng tầm ảnh hưởng ra thị trường miền Bắc cùng thương vụ “thâu tóm” Thế giới số Trần Anh, Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp liên tục mở các siêu thị tại Hà Nội, Media Mart không ngừng mở thêm điểm bán… Thị trường bán lẻ miền Bắc đang có “sóng”, sôi động hơn, nhưng cạnh tranh cũng quyết liệt hơn.

Liên tiếp những cuộc đổ bộ và thâu tóm

Thời gian qua, thị trường bán lẻ miền Bắc có nhiều diễn biến mới, trong đó nổi bật nhất là Thế giới số Trần Anh (Trần Anh) sắp về một nhà với Thế giới di động (MWG). Lãnh đạo hai doanh nghiệp đã đạt được sự thống nhất cao về kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A).

Trần Anh là hệ thống bán lẻ có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc, sở hữu 39 trung tâm kinh doanh điện máy ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình. Báo cáo của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, Trần Anh chiếm thị phần dẫn đầu miền Bắc và khoảng 14% thị phần cả nước. Các hệ thống khác như Nguyễn Kim, Media Mart, Chợ Lớn… chiếm tổng cộng 35% thị phần cả nước.

Trong khi đó, theo thông tin công bố từ báo cáo thường niên năm 2016 của Thế giới di động, hệ thống Điện máy xanh của Công ty đang chiếm thị phần hơn 16%. Khoảng 35% thị phần điện máy cả nước nằm trong tay các cửa hàng nhỏ lẻ, bán hàng theo kiểu truyền thống, 49% thị phần còn lại thuộc các chuỗi siêu thị khác.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo, cuối năm 2020, doanh thu bán lẻ Việt Nam có thể đạt 180 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đóng góp một phần đáng kể. Đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm…   

Nếu sáp nhập xảy ra, hệ thống của Thế giới di động và Trần Anh sẽ chiếm 30% thị phần toàn quốc, tính đến hết năm 2016, ngang ngửa với tất cả các chuỗi siêu thị còn lại, cũng như tổng thị phần các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống.

Bên cạnh tham vọng lấn sân ra miền Bắc của ông chủ Thế giới di động, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng nhanh chân gia nhập thị trường. Chẳng hạn, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Pháp là Auchan, chỉ trong thời gian ngắn đã mở 3 siêu thị tại Hà Nội (siêu thị khai trương gần nhất vào ngày 12/9 vừa qua), trong tổng số 15 siêu thị của Auchan tại Việt Nam. Được biết, Auchan có kế hoạch mở một siêu thị với quy mô lớn tại miền Bắc.

Auchan đang có mặt ở 17 quốc gia với 3.715 điểm bán hàng, việc liên tục mở rộng ra phía Bắc tại thị trường Việt Nam cho thấy, Auchan đánh giá cao tiềm năng của thị trường này. Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD để mở rộng phát triển tại Việt Nam, trong đó kế hoạch đến năm 2020, tại thị trường Hà Nội sẽ có 20 siêu thị.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Auchan Việt Nam cho biết, thị trường bán lẻ miền Bắc chưa năng động, nhưng nhiều tiềm năng, vì người dân miền Bắc vẫn còn quen với hình thức đi chợ nhỏ. Auchan chú trọng vào thói quen và lợi ích của người dân địa phương để phát triển từng thị trường, với mô hình cửa hàng nhỏ gần khu dân cư, siêu thị và đại siêu thị.

Công ty sẽ phát triển mạnh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ có hơn 40 cửa hàng gồm 20 siêu thị, 20 siêu thị nhỏ và 2 đại siêu thị. Đầu năm 2018 sẽ có đại siêu thị đầu tiên của Auchan tại Hà Nội.

Quan sát về bước đi của đại gia bán lẻ đến từ Pháp cho thấy, Auchan có nước cờ rất khác so với các đơn vị còn lại, đó là phối hợp với các doanh nghiệp bất động sản để mở siêu thị tại các tòa chung cư mới hoàn thiện và chiến lược về thực phẩm tươi sạch giá tốt.

Ông Jorge Fernandez Asensio, Tổng giám đốc Auchan Retail Việt Nam khẳng định, Công ty mong muốn trở thành nhà tranh đấu vì thực phẩm tươi sạch, vì sức khoẻ người dân và vì lợi ích của địa phương, mà vẫn duy trì chiến lược giá tốt trên thị trường.

Các tên tuổi lớn trên thị trường bán lẻ thế giới cũng đã có mặt ở Việt Nam như 7-Eleven, Circle K, H&M, Zara…, đem lại sự nhộn nhịp trên thị trường.

Nhận định về thị trường bán lẻ tại Việt Nam nói chung, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, với vị trí thứ 6 trên toàn thế giới theo Chỉ số phát triển bán lẻ năm 2017 của AT Kearney, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp bán lẻ như niềm tin của khách hàng, sự bùng nổ của thương mại điện tử, tự do thương mại và hạ tầng cơ sở liên tục được nâng cấp và phát triển.

Thêm vào đó, thị trường bán lẻ tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, bởi mật độ bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM hiện khá thấp, ở mức 0,26 và 0,12 m2 bán lẻ/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur.

Cục diện thay đổi

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing của Media Mart nhận định, thị trường bán lẻ miền Bắc sẽ có cục diện mới trong thời gian tới, trong đó nổi bật là xu hướng mua gom (M&A) diễn ra nhiều hơn.

Theo ông Hải, so với miền Nam, thị trường bán lẻ miền Bắc khốc liệt hơn nhiều. Nếu chia ra 5 cấp độ thì miền Bắc chênh lệch hơn thị trường miền Nam khoảng 2 cấp độ, bởi hành vi mua sắm và giá cả của hai miền rất khác nhau. Trong khi đó, độ phủ của các cửa hàng, siêu thị bán lẻ tại miền Bắc hiện thấp hơn nhiều so với miền Nam, nên “room” phát triển còn nhiều. Sự xuất hiện của các đại gia bán lẻ nước ngoài như Auchan, Aone Mall, 7-Seven… góp phần tạo nên diện mạo mới cho thị trường.

Phân tích về câu chuyện mua gom, vị giám đốc marketing của Media Mart cho rằng, trong tương lai, nhiều siêu thị nhỏ, chiếm ít thị phần, hoạt động cầm chừng sẽ bị thâu tóm. Hiện tại, ba đơn vị là Media Mart, Nguyễn Kim, Điện máy xanh đang chiếm 70 - 80% thị phần bán lẻ điện máy miền Bắc, số ít thị phần còn lại chia cho các đơn vị nhỏ.

Thị trường bán lẻ miền Bắc: Sóng mới ảnh 1

Một phân khúc khác đáng chú ý trong thị trường bán lẻ là bán lẻ tiêu dùng, được đánh giá là miếng bánh lớn hơn nhiều lần so với bán lẻ điện máy, bởi cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Bán lẻ tiêu dùng dự báo sẽ có nhiều thay đổi, trong đó có sự lên ngôi của mô hình tiêu dùng nhanh.

“Cục diện chung của thị trường bán lẻ miền Bắc thời gian tới sẽ đuổi kịp với sự náo nhiệt của thị trường miền Nam. Các nhà đầu tư miền Nam sẽ đem mô hình bán hàng thân thiện ra miền Bắc, thị trường bán lẻ khu vực này sẽ vui hơn, sôi động hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Đứng trước những vòng xoáy chuyển động của thị trường, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tồn tại. “Nếu không thay đổi để thích ứng, các doanh nghiệp sẽ bị đào thải, bởi thị trường bán lẻ Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng năng động và có tính cạnh tranh cao”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh.

Media Mart đang theo đuổi chiến lược mở rộng điểm bán, với mục tiêu sở hữu hàng trăm điểm bán trong thời gian tới. Tính đến tháng 9/2017, hệ thống này có 70 điểm bán và xác định cạnh tranh trực tiếp với những đơn vị hàng đầu trên thị trường, xây dựng và nhận diện thương hiệu nằm trong Top 3 doanh nghiệp điện máy lớn nhất tại thị trường miền Bắc.

Hệ thống bán lẻ Vinmart của Tập đoàn Vingroup cũng liên tục được mở rộng và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 của Vingroup cho thấy, lĩnh vực bán lẻ đạt doanh thu 5.588 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Thành Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Kangaroo nhận định, tiềm năng của thị trường bán lẻ miền Bắc rất lớn. “Thị trường đang có những thay đổi và chuyển biến tích cực, sẽ đón nhận sóng lớn vào những tháng cuối năm 2017. Các nhà bán lẻ miền Bắc sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn, khốc liệt hơn. Tuy nhiên, với làn sóng mới này, tôi cho rằng, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều, đi cùng với đó là các chiến lược đột phá để tăng trưởng”, ông Phương nói.

Tin bài liên quan