Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thị trường bán lẻ, cạnh tranh tiếp tục khốc liệt

(ĐTCK) Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự đào thải khốc liệt, không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại đã buộc phải rời bỏ thị trường. 

Thương vụ nội thâu tóm ngoại đầu tiên

Vừa qua, Saigon Co.op đã tiếp quản hệ thống chuỗi siêu thị Auchan của Pháp. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu Việt thâu tóm thương hiệu ngoại tại sân nhà trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, tiếp quản Auchan tại Việt Nam, bao gồm 15 cửa hàng bán lẻ lẫn thương mại điện tử và gần 200 nhân viên, nằm trong chiến lược mở rộng hệ thống và thị phần mà Saigon Co.op đang hướng đến.

Ngoài 15 cửa hàng trên, Saigon Co.op tiếp tục vận hành và duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020 tại 3 điểm bán ở TP.HCM gồm Auchan Crescent Mall (Quận 7), Auchan Era (Quận 7) và Auchan Hoàng Văn Thụ (Quận Tân Bình).

Ngoài ra, Saigon Co.op mong muốn có thêm kênh phân phối ra thị trường quốc tế thông qua hợp tác với Auchan, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm của Saigon Co.op qua kênh của Auchan trên toàn cầu. Trong đó, nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất sang các nước mà Tập đoàn Auchan đang có mặt, việc tiếp nhận Auchan Việt Nam vừa qua là một phần của thỏa thuận. Auchan sẽ là đầu mối cho hàng Việt vào thị trường Pháp và các nước nước.

Saigon Co.op mua lại Auchan được coi là sự kiện lịch sử trên thị trường bán lẻ Việt Nam và nhận được nhiều đánh giá tích cực. Những cửa hàng mà Auchan chuyển nhượng đều nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi. Thương vụ M&A này kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại.

Được biết, tính đến tháng 5/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 113 siêu thị Co.opmart, 4 đại siêu thị Co.opXtra, hơn 300 cửa hàng Co.opFood. Doanh thu năm 2018 của Saigon Co.op đạt gần 30.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự đào thải, Auchan là cái tên mới nhất sau hàng loạt tên tuổi khác đã buộc phải từ giã cuộc chơi như Trần Anh, Shop & Go, Fivimart, Giant.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Cushman & Wakefield (công ty dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ tại Việt Nam) nhận xét, đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, chuyện “cá lớn nuốt cá bé” là bình thường khi một bên không còn khả năng lớn mạnh hơn, nên nếu đúng thời điểm thì việc chuyển nhượng sẽ diễn ra. Có trường hợp chuyển nhượng vì thiếu vốn, có trường hợp thiếu về mặt con người dẫn đến yếu kém về quản lý và sức phát triển, mở rộng trên thị trường.

Đối với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, như Giant hay Auchan vào thị trường Việt Nam sau, cách bắt nhịp thị trường và khách hàng không thể cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Họ có thể có kỹ năng, kinh nghiệm quản lý tốt, nhưng độ nhạy bén, thấu hiểu người tiêu dùng Việt Nam không sâu như doanh nghiệp trong nước, nên đưa ra chiến lược không hợp lý. Họ có thể thành công ở một số thị trường, nhưng với những thị trường có nhiều đặc điểm và hình thức đa dạng như Việt Nam thì lại không thể vượt qua doanh nghiệp trong nước.

Cạnh tranh sẽ tiếp tục khốc liệt

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội nhận định, sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ ngày càng khốc liệt. Việc Auchan bị thâu tóm và các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon Co.op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh tại các tỉnh, thành phố lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ cho thấy điều đó.

Chẳng hạn, VinCommerce thuộc Tập đoàn Vingroup đã mua lại chuỗi 87 cửa hàng của Shop&Go, duy trì vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ về quy mô độ phủ với 108 siêu thị VinMart và khoảng 1.900 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Đồng thời, Vingroup chính thức dẫn đầu thị trường bán lẻ hiện đại trong nước.

Các động thái trên đang cho thấy có sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt trong ngành bán lẻ cả về số lượng cửa hàng và thị phần so với các doanh nghiệp ngoại. Tuy nhiên, bà Thu Hằng cảnh báo, sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.

Xét về kinh nghiệm phát triển trung tâm thương mại, doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn khi cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ nước ngoài có mô hình hiện đại và tiềm lực tài chính. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích.

Theo Savills, sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035, Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2025, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 88% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm khoảng 12%; đến năm 2030, mức bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm 80% tổng mức bán lẻ và khu vực FDI chiếm 20%.

Tin bài liên quan