Theo chân người làm thủy điện

Theo chân người làm thủy điện

Trong tiết trời cuối năm âm u và giá rét, chiếc Land Cuirse chở đoàn công tác Ban quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 lắc lư vượt dãy Trường Sơn hướng về thượng nguồn sông Bung (thuộc địa phận xã LaeÊ và xã Zuôih, huyện Nam Giang và Tây Giang, tỉnh Quảng Nam)…

Sau ngót bốn giờ đồng hồ vòng vèo theo con đường nhỏ, xuyên qua khe núi, lúc lên lúc xuống, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn cũng là đích đến cuối cùng của cả công trình thủy điện này - Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2. Đón đoàn là Kỹ sư trưởng Lê Nam Thắng, chỉ huy công trường gói thầu nhà máy thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 24. Vẫn ánh mắt và nụ cười chất phát ngày nào, nhưng so với thời điểm công trình mới được khởi công, trông người kỹ sư này phong sương hơn nhiều, mái tóc đã bạc đi đa phần.

Anh Thắng cho biết, trước đây vài tuần, khu nhà máy này không gọn gàng như bây giờ. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã thử thách sự kiên trì của con người, khi đợt lũ tháng 10 vừa qua, nguyên cả ngọn đồi đã sạt lở, vùi lấp toàn bộ trạm phân phối điện, gây tắt nghẽn dòng chảy của sông Bung, nước tràn vào hố móng nhà máy mang theo bùn đất, bao công sức trước đó của người thợ đã cuốn theo dòng nước lũ.

Đứng trước công trường ngổn ngang, dù trong lòng đau đáu nỗi lo tiến độ, nhưng kỹ sư Nguyễn Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Sông Bung 2 - chủ đầu tư dự án vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Anh chia sẻ, sự cố thiên tai là điều không thể tránh khỏi đối với các dự án thủy điện, vấn đề là tìm ra giải pháp khắc phục tốt nhất, vừa đảm bảo chất lượng và tiến độ, vừa làm an tâm các nhà thầu tham gia thi công.

Sức tàn phá của thiên tai cũng không làm sờn lòng những con người vốn đã gửi cả tâm sức vào Dự án. Sau những lần như vậy, anh Sơn cùng các cán bộ, nhân viên Ban quản lý, nhà thầu và cả chính quyền địa phương cùng xắn tay tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ cho Dự án.

Rời công trường gói thầu nhà máy, theo chân anh Sơn, đoàn công tác ghé thăm tuyến đường hầm dẫn nước. Đây được xem là gói thầu xương xẩu nhất của một dự án thủy điện. Chứng kiến những kỹ sư của Công ty Lũng Lô, Công ty Xây dựng 47 vùi mình trong hang đá, bụi bay mù mịt, mặt mũi lem nhem, không ai không thán phục sức lực của người làm thủy điện.

Bỏ lại sau lưng những tiếng khoan rát tai cùng khói bụi mù mịt, chiếc Land Cuirse oằn mình theo tuyến đường nội bộ dự án để tìm đến hạng mục đập chứa nước nằm cách xa nhà máy hơn 20 km. Trên đường đi, Kỹ sư Nguyễn Sơn tâm sự, để triển khai dự án thủy điện, yếu tố quan trọng nhất là xẻ núi để tạo các tuyến giao thông nội bộ, kết nối các điểm công trình, qua đó mới có thể đưa thiết bị vào để triển khai.

“Điều kiện địa chất phức tạp kết hợp với thiên tai liên tục khiến những tuyến đường nội bộ này liên tục hư hỏng. Để đảm bảo lưu thông tốt, Ban quản lý bố trí một đội chuyên tu sửa và dọn đất đá tràn xuống đường do sạt lở”, anh Sơn nói.

Đập ngăn nước thủy điện nằm ngay trên biên giới Việt - Lào, nhìn từ trên cao, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy mình trở nên quá nhỏ bé, khi chứng kiến cảnh hùng vĩ của đại công trường.

Kỹ sư Sơn cho biết, gói thầu đập dâng do Tổng công ty Thủy lợi 4 và Tổng công ty Xây dựng cơ điện nông nghiệp và thủy lợi đảm nhận. Vượt qua bao khó khăn, trắc trở, đến nay, gói thầu rất quan trọng của Thủy điện Sông Bung này đã bước qua giai đoạn khó khăn và đi vào thi công thuận lợi hơn. Để đảm bảo tiến độ tích nước vào năm 2015, thời điểm này, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, thậm chí đăng ký thi công trong dịp Tết để tranh thủ thời tiết thuận lợi, rút ngắn tiến độ.

Chia tay công nhân gói thầu đập ngăn nước thì trời cũng đã tối, đoàn công tác hối hả quay về nhà điều hành dự án. Nghe những câu hát vang vọng giữa núi rừng của người công nhân, chợt nhận ra, chỉ có một tình yêu mãnh liệt với nghề mới có thể khiến họ quyết tâm bám công trường, bám rừng, xẻ núi để hình thành nên những nhà máy thủy điện mang lại ánh sáng cho mọi nhà.

Tin bài liên quan