Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp. Trong ảnh: Các doanh nghiệp đoạt giải Sao Vàng đất Việt năm 2018.. Ảnh: Chí Cường

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp. Trong ảnh: Các doanh nghiệp đoạt giải Sao Vàng đất Việt năm 2018.. Ảnh: Chí Cường

Thay đổi tư duy, doanh nghiệp chủ động tìm cách kết nối

Kết nối sẽ không còn là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt khi chính các doanh nghiệp tìm mọi cách để chia sẻ cơ hội kinh doanh.

Khi sân chơi đổi luật

Chỉ trong vòng vài ngày kêu gọi, số doanh nghiệp quan tâm và muốn tham gia Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại doanh nhân trẻ Việt Nam (trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) đã lên tới gần 300.

Không chỉ dừng lại ở số lượng, những kết nối đầu tiên cũng đã được các doanh nghiệp trao đổi, bên cạnh thông tin về doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động và cả chân dung người đứng đầu doanh nghiệp…

“Khi các doanh nghiệp thực sự nhìn thấy lợi ích, thấy thiết thực với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, họ sẽ tham gia. Tôi tin là Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại trong lần trở lại này sẽ lợi hại hơn, thực sự là nơi các doanh nghiệp cần”, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ.

Phải nhắc lại, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có khoảng 10 câu lạc bộ, hoạt động ở một số lĩnh vực, để liên kết các hội viên. Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại doanh nhân trẻ là một trong số này, được thành lập năm 2015.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, bên cạnh  một số câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, một số gần như không hoạt động.

“Chúng tôi buộc phải rà soát lại, để đảm bảo các hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phải thực sự hiệu quả, gắn với nhu cầu của hội viên. Nếu câu lạc bộ nào không đáp ứng được yêu cầu, không có phương án hoạt động, sẽ phải thay đổi, thậm chí có thể thay thế. Vì đây là sân của các doanh nghiệp, mọi hoạt động đều phải thiết thực, các hội viên đều phải nhìn thấy cơ hội và trách nhiệm của mình”, ông Đặng Hồng Anh chia sẻ.

Giữa tháng 7/2019, Ủy ban Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã phải gửi văn bản thúc giục các hội địa phương cử người tham gia, thúc đẩy hoạt động kết nối này. Cùng với đó, phương án mở rộng kết nối, mở quyền cho câu lạc bộ kết nạp hội viên theo nhu cầu được đề xuất.

“Tôi tin các doanh nhân trẻ sẽ không bỏ lỡ cơ hội của chính mình”, ông Hồng Anh nói.

Lời giải bài toán kết nối

Có hai nhân vật đặc biệt hào hứng với sự tái xuất của Câu lạc bộ Xúc tiến thương mại doanh nhân trẻ Việt Nam. Một là ông Trần Xuân Mai, Chủ tịch Câu lạc bộ từ năm 2015 đến nay. Hai là ông Hà Tuấn Anh, Thường trực Đoàn chủ tịch Câu lạc bộ.

Ông Tuấn Anh chia sẻ, cơ hội thị trường đang rộng ra, khi môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, các rào cản thuế quan thu hẹp dần theo các cam kết thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết, nếu không tận dụng được thì đó là lỗi của doanh nghiệp.

Chúng tôi đã chọn logo của Câu lạc bộ là những bàn tay đặt vào nhau. Chung tay, mọi việc đều có giải pháp.   

“Lâu nay, kết nối vẫn bị coi là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cũng chính doanh nghiệp có chìa khóa để giải bài toán này. Đơn hàng lớn một người làm không xuể, sao không chung tay để cùng làm. Hay các doanh nghiệp lớn hoàn toàn có thể kéo doanh nghiệp nhỏ đi cùng, ai cũng có lợi. Nhu cầu kết nối làm ăn đang rất lớn, tư duy về kinh doanh cũng đã thay đổi”, ông Tuấn Anh nói.

Tất nhiên, việc hợp tác, kết nối không hề dễ dàng. Ông Mai thừa nhận, khi nhu cầu của các doanh nghiệp trong câu lạc bộ khác nhau, quy mô khác nhau, tìm được tiếng nói chung không đơn giản.

“Chúng tôi đã chọn logo là những bàn tay đặt vào nhau. Chung tay, mọi việc đều có giải pháp. Chúng tôi tính chia thành các cụm, với các kế hoạch phù hợp cho từng nhóm ngành hàng. Sẽ kết nối với các đơn vị xúc tiến của các bộ, ngành, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)”, ông Mai chia sẻ một số kế hoạch.

Mặc dù đến ngày 9/8, Câu lạc bộ mới chính thức ra mắt, nhưng phương thức hoạt động đã bắt đầu được các doanh nghiệp bàn thảo. Vì theo ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Thịnh, Phó chủ tịch Trưởng ban xúc tiến thương mại của Hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai, hoạt động kết nối ở Đồng Nai khá hiệu quả, nhưng họ cần mở rộng.

“Việc kết nối nhiều khi đơn giản, nhưng đó là cái doanh nghiệp cần. Ví như là tôi có đơn hàng này cần hỗ trợ, hay có loại máy móc kia cần thay đổi, có doanh nghiệp nào cần hay không. Hay tôi hay xuất hàng đi Nhật Bản, có kinh nghiệm, nếu doanh nghiệp cần tìm hiểu, đưa nhu cầu, tôi sẽ hỗ trợ… Mạng lưới này càng rộng, hiệu quả sẽ càng lớn”, ông Tuấn nói.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kim Song Mã (Ninh Thuận) đặt yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn hàng Việt, để đảm bảo uy tín và chất lượng của hàng Việt. “Kinh doanh bây giờ là phải dựa trên uy tín”, ông Hồng nói.

Tin bài liên quan