Tết 2019, ngoài cảm xúc, doanh nghiệp hãy mang tới cho khách hàng cơ hội hành động từ nhận thức mới và 
giải pháp hợp lý từ thương hiệu

Tết 2019, ngoài cảm xúc, doanh nghiệp hãy mang tới cho khách hàng cơ hội hành động từ nhận thức mới và giải pháp hợp lý từ thương hiệu

Tết này, xu hướng quảng cáo nào lên ngôi?

(ĐTCK) Dịp Tết Nguyên đán 2019 sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2019, đi cùng với đó là những mong đợi về một mùa kinh doanh bội thu trong mùa lễ hội lớn nhất tại Việt Nam. Doanh nghiệp cần lưu ý gì để nắm bắt xu hướng và thắng trận đánh lớn? Một chia sẻ của Viện Tiếp thị và kinh doanh ứng dụng Sage (Sage Academy) gần đây khá hữu ích và thú vị.

Hai tuần trước Tết sẽ là giai đoạn bùng nổ nhu cầu mua sắm, trong đó hơn 50% sức mua ở thị trường nông thôn rơi vào tuần cuối trước ngày Tết đầu tiên. Tương tự như ngày thường, người tiêu dùng mua sắm 2-3 lần/tuần vào thời điểm Tết, nhưng sẵn lòng chi trả nhiều tiền hơn, mua nhiều sản phẩm hơn. Vì vậy, các hoạt động trước, trong và ngay cả sau Tết của người tiêu dùng cần được các doanh nghiệp chú ý để có một chiến lược đúng đắn.

Thống kê và tổng hợp từ các kênh truyền thông ở các mùa Tết trước cho thấy, các thương hiệu có thể “giải trí trước, bán hàng sau” nên ưu tiên việc kể lại một câu chuyện hay, hoặc những câu chuyện hài hước, vui nhộn hơn là nỗ lực để bán hàng trong mùa Tết năm nay. Điều này sẽ giúp các nhãn hàng chiếm được trái tim của khán giả.

Đơn cử, những năm gần đây, các sản phẩm âm nhạc Tết chứng kiến sự bùng nổ của âm nhạc mang tính giải trí cao, các video âm nhạc tạo sự tươi trẻ cho Tết, chất liệu âm nhạc hay nội dung liên quan đến những vấn đề của giới trẻ thường dẫn đầu bảng xếp hạng. Bên cạnh đó là những clip về âm nhạc truyền thống của Tết và thiếu nhi. Do đó, các thương hiệu có thể tận dụng âm nhạc làm “nguyên liệu kỳ diệu” cho quảng cáo.

Theo Facebook, trong thời điểm Tết, 93% người Việt dùng Internet xuất hiện trên Facebook với số lượng cuộc hội thoại tăng 89%, tăng 22% số hình được đăng trên điện thoại di động (smartphone) và 50% số video được đăng tải. Đồng thời, số lượng nội dung được tạo ra trên smartphone  nhiều gấp 4,2 lần so với máy tính. Chính vì thế, trong các mạng xã hội, Facebook được coi là nơi diễn ra “hội Tết” lớn nhất trên chiếc smartphone.

Về độ tuổi sử dụng nhiều nhất, thống kê của Facebook cũng chỉ ra rằng, người dùng ở độ tuổi 24-34 tích cực sử dụng nhất (chiếm 36%), tiếp đó là các độ tuổi 18-24, 35-44 và 45-54 tuổi. Khá thú vị, mức độ sử dụng Facebook của cả nam và nữ trong dịp Tết là tương đương nhau.

Họ thảo luận gì trên Facebook dịp Tết? Gia đình chiếm tỷ lệ áp đảo với 55,5%, tiếp đó là các chủ đề về tiền tài (14%), làm đẹp (8,3%), ăn uống (8,3%), sức khỏe (7,7%) và mua sắm (6%).

Trong tháng cuối cận Tết Nguyên đán, số lượng chốt đơn hàng qua
Facebook tăng tới 80% so với những tháng còn lại trong năm. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng và tăng doanh số bằng các công cụ được thiết kế riêng trên smartphone, bởi mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho việc sửa chữa, trang trí nhà cửa, mua sắm cá nhân, đi chơi, chúc Tết, tặng quà...

Tết là chất xúc tác tình cảm thương hiệu tuyệt vời khi có tới 90% phản hồi trong Báo cáo “Brands at Tet 2018” của KMB cho rằng, truyền thông trong mùa Tết của các thương hiệu có tác động đến tình cảm. Do đó, các doanh nghiệp luôn nỗ lực thực hiện nhiều chiến dịch trong dịp này để tô đậm hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng, từ đó chuyển hóa thành động lực mua hàng.

Quảng cáo không chỉ để kể chuyện, mà còn để hành động. Giờ đây, truyền thông phát triển rất nhanh và không đơn thuần là một cuộc gặp gỡ hay tâm sự một chiều. Xu hướng của quảng cáo trên thế giới là dẫn đến hành động, tạo tác động lên người tiêu dùng và khán giả. Để thực sự gắn kết với người tiêu dùng, các chiến dịch Tết không dừng lại ở việc kể một câu chuyện cảm động hay tạo tiếng cười, mà còn cố gắng đưa ra giải pháp hành động cho vấn đề xã hội mà mình đặt ra.

Vì thế, những năm gần đây, đã không còn những thước quảng cáo cố đánh bóng thương hiệu một cách gượng gạo, thay vào đó là những câu chuyện hướng tới gia đình đầy nhân văn, tạo giá trị tích cực và thay đổi những chuyển biến tiêu cực của gia đình hiện đại.

Với Tết 2019, doanh nghiệp đừng chỉ mang đến cảm xúc, mà hãy cho khách hàng cơ hội hành động từ nhận thức mới và giải pháp hợp lý từ thương hiệu. Theo Google, có 3 khía cạnh nội dung chính mà thương hiệu có thể khai thác, đó là tôn vinh truyền thống, thách thức khuôn mẫu tiêu cực và nâng tầm những người yếu thế. 

Các năm gần đây, từ các thương hiệu ngoại “làm nên Tết Việt” quen thuộc như Coca-Cola, Pepsi... đến các thương hiệu nội địa tạo ra "làn gió mới" như Bảo Thanh, Vinpearl, Gốm sứ Minh Long... đều cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến giành chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng. Chỉ những thương hiệu thật sự có góc nhìn mới, gắn liền với hơi thở hiện đại của người Việt, mà không bỏ quên giá trị Tết của người Việt, thì mới có thể tạo nên sự nổi bật nơi truyền thông “đất chật, người đông" này.

Tin bài liên quan