Đại diện Lefaso cho biết, ngành da giày vẫn gặp khó khăn lớn bởi chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu, do phụ thuộc nhập khẩu.

Đại diện Lefaso cho biết, ngành da giày vẫn gặp khó khăn lớn bởi chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu, do phụ thuộc nhập khẩu.

Tăng trưởng xuất khẩu cao, da giày vẫn lo nguyên liệu

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, dù tăng trưởng cao trong những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp thách thức trong mảng giày da, mà mấu chốt chính là chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu, vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu.

Tiếp tục chủ đề doanh nghiệp và CPTPP, một trong những nội dung quan trọng thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng ngày 2/5, đại diện ngành da giày Việt Nam đã phát biểu những thông tin đáng suy ngẫm.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tăng trưởng, xuất khẩu của ngành da giày, túi xách nước ta những năm gần đây khá đáng kể.

Dù được nhận định là ngành có tiềm năng lớn với hơn 500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đặc biệt là trong việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng theo bà Xuân, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp thách thức trong mảng giày da, mà mấu chốt chính là chưa chủ động được nguồn cung ứng da nguyên liệu, vẫn phải phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu.

“Chúng tôi tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho doanh nghiệp thực thi. Tuy nhiên, theo khảo sát, doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội này”.

Chúng ta có thể tự tin sản xuất giày thể thao nhưng thách thức là giày da, bởi Việt Nam nhập khẩu còn lớn. Để đáp ứng rào cản về thương mại, kỹ thuật, chúng ta cần có chiến lược. Câu chuyện nguyên phụ liệu là muôn thuở.  Bộ Công thương cũng đã ra nghị quyết 111 để hỗ trợ. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tận dụng được", bà Xuân nói. 

Bà Xuân nêu kiến nghị, cùng một chính sách, không thể áp dụng cho từng ngành được. Chúng ta cần có chiến lược, quy hoạch, cần có sức mạnh, nên có bàn thảo cụ thể, nghị định riêng cho các ngành", bà Xuân khẳng định.

Số liệu từ Lafaso cho thấy, kết thúc năm 2018, ngành da giày, túi xách đã mang về tổng kim ngạch xuất khẩu 19,5 tỷ USD, duy trì được mức tăng trưởng 10% so với năm 2017.

Nhưng đằng sau con số tăng trưởng xuất khẩu này vẫn còn nhiều điều đáng nói, dù không phải là câu chuyện mới.

Số là các doanh nghiệp FDI vẫn đang nắm “phần hồn” của ngành công nghiệp xuất khẩu lớn thứ 4, khi nắm giữ 78,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, với tổng giá trị tính trong 11 tháng 2017 gần 14 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 11,63 tỷ USD và túi xách 2,34 tỷ USD.

Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội đã tiếp tục xu hướng giảm trong một thời gian dài, từ mức 25% năm 2017 xuống còn 19,7% (giày dép từ 24,4% năm 2013 xuống con 19,6% và túi xách từ 27,9% giảm xuống còn chưa đầy 20%, theo số liệu do Lefaso công bố.

Được biết, một trong những nội dung trọng tâm của Lafaso trong năm 2019 là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu hướng đến mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và duy trì phát triển bền vững.

Theo bà Xuân, năm 2019, cơ hội thị trường với ngành giày dép, túi xách Việt Nam vẫn khá triển vọng, do tăng nhu cầu tiêu dùng  tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc. Các doanh nghiệp da giày, túi xách vẫn đang có nhiều cơ hội để tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu, đặc biệt với một số thị trường mà giày dép còn chưa vào được nhiều như Canda, Mexico, Australia... vốn trong CPTPP.

Ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 21,5 tỷ USD trong năm 2019, tăng thêm 2 tỷ USD so với thực hiện của 2018.

Tin bài liên quan