Cẩn trọng tác động tăng chỉ số giá
Ðánh giá về tác động của việc tăng giá điện, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, yếu tố giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và GDP, tuy nhiên vẫn nằm trong tầm kiểm soát, bởi việc điều chỉnh đã nằm trong kịch bản điều hành của Chính phủ.
Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê và Bộ Công thương, với mức tăng giá điện 8,36%, ước tính GDP có thể giảm 0,22%; CPI sẽ tăng 0,29% - 0,3%. Khi đó, CPI năm 2019 sẽ dao động trong khoảng từ 3,3% đến xấp xỉ 4%, vẫn đảm bảo dưới 4% theo mục tiêu đặt ra của Quốc hội.
“Hàng tháng, Tổng cục Thống kê phối hợp với các đơn vị liên quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trong khuôn khổ điều hành giá quốc gia tính toán các kịch bản để kiểm soát lạm phát ở dưới mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đã đề ra. Cho nên, sau khi có chỉ số giá mỗi tháng, Tổng cục Thống kê đều cập nhật kịch bản để điều hành giá, bao gồm cả vấn đề tăng giá điện”, ông Lâm cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ước tính cả năm 2019, giá điện tăng sẽ tác động làm tăng từ 0,29% - 0,31% CPI. Do giá điện mới được điều chỉnh từ ngày 20/3, nên CPI tháng 3 và quý I sẽ không có biến động mạnh.
“Tuy nhiên, chỉ riêng tăng giá điện đã là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp khiến CPI đi lên trong thời gian tới, chưa kể các yếu tố biến động khó lường khác chưa được tính toán có thể kết hợp làm tăng mạnh chỉ số giá”, ông Long khuyến cáo.
Doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng lớn nhất
Dù đã có kế hoạch chuẩn bị cho khả năng tăng giá điện trong quý I năm nay, song nhiều doanh nghiệp sản xuất nhận định, việc tăng giá điện tác động trực tiếp tới chi phí đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý tiếp theo. Ðặc biệt, không ít doanh nghiệp lo ngại hệ lụy chi phí và giá thành sản phẩm đi lên, khiến doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán ra thị trường, một giải pháp không ai muốn trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Các ngành sản xuất công nghiệp nặng như thép, xi măng, khai khoáng… với đặc điểm tiêu thụ nhiều điện năng được đánh giá sẽ chịu tác động mạnh nhất khi giá điện tăng. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), với mức tăng giá điện trên 8,3%, ước tính chi phí sản xuất đi lên kéo theo giá thành cho 1 tấn thép tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn.
Ðáng chú ý, để sản xuất ra 1 tấn thép, các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 600 - 650KWh điện, tương đương với 9% - 10% giá thành sản xuất. So với mức lợi nhuận bình quân của ngành thép là 5 - 6% thì đây là một tỷ lệ khá cao, do đó, giá điện tăng là bài toán đau đầu đối với doanh nghiệp ngành này trong việc cân đối chi phí và giá thành.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA cho biết, mặc dù nhiều doanh nghiệp thép đã mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới để tiết giảm điện năng, song mức chi phí cho điện vẫn rất lớn. Ðể đảm bảo lợi nhuận, nhiều khả năng giá bán thép ra thị trường thời gian tới buộc phải điều chỉnh nhích lên.
Trong bối cảnh ngành thép dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nhà sản xuất, tình trạng cung vượt cầu, giá điện tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp ngành này. Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đưa ra dự báo nếu chi phí sản xuất, bao gồm chi phí nguyên liệu và chi phí cho điện biến động, các doanh nghiệp sẽ phải tính tới bài toán tăng giá bán. Ðây là bất lợi lớn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thép Việt Nam trên thị trường, nhất là ngành thép dẹt và tôn mạ.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép dẹt, ống thép, thép cán nguội và tôn mạ thuộc VNSteel hoặc liên kết với Tổng công ty vẫn trong tình trạng thua lỗ kéo dài, nên sức ép tăng chi phí sản xuất sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều trở ngại hơn nữa.
Trong ngành tôn mạ, ông Lê Việt, Phó tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam cho biết, giá bán đang là vấn đề “tử huyệt” đối với hầu hết các doanh nghiệp để duy trì thị phần. Sở dĩ nhấn mạnh như vậy bởi ước tính cung tôn mạ đang vượt cầu hơn 2 lần; sản phẩm trong nước phải cạnh tranh với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc - vốn đang chiếm thị phần khá lớn; sự bất ổn về tài chính của một số doanh nghiệp trong nước buộc họ phải chấp nhận bán dưới giá thành để có tiền trả nợ… Bởi vậy, cạnh tranh về giá là rất khốc liệt. Việc giá điện tăng sẽ tạo thêm thử thách lớn với các doanh nghiệp để đảm bảo giá thành ở mức có thể cạnh tranh.
Tương tự, tại lĩnh vực khai khoáng, sản xuất xi măng, tăng giá điện dự kiến sẽ làm tăng đáng kể chi phí sản xuất, do chi phí tiêu thụ điện dành cho vận hành các thiết bị máy móc đào lò, dây chuyền băng tải và nghiền vật liệu khá lớn. Trong bối cảnh này, việc tăng cường ứng dụng công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa và sắp xếp lại giờ sản xuất vào giờ thấp điểm để giảm tiêu thụ điện là giải pháp mà Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản tính tới.
Lĩnh vực dệt may cũng chịu tác động tương đối lớn khi tiền điện thường chiếm từ 10 - 15% giá thành sản phẩm. Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành rất lo ngại giá điện gia tăng, kéo theo áp lực cân đối chi phí. Hiện nay, dù ngành dệt may đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm, song do đặc thù sản xuất quy mô dây chuyền lớn, sử dụng nhiều máy móc và cần điện chiếu sáng phục vụ sản xuất nên việc gia tăng chi phí từ yếu tố giá điện là khó có thể bù đắp.
Ðại diện một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cho biết, Công ty đang tính tới giải pháp điều chỉnh giờ sản xuất vào giờ thấp điểm, tuy nhiên chi phí để trả lương cho công nhân lại phải tăng lên, nên tổng thể chi phí vẫn leo dốc. Nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá bán, lợi nhuận sẽ giảm xuống trong thời gian tới.