Suzuki Việt Nam phản ứng với quyết định bị áp thuế linh kiện

Suzuki Việt Nam phản ứng với quyết định bị áp thuế linh kiện

Công ty Suzuki Việt Nam (Visuco) không đồng ý với quyết định ấn định thuế mới với linh kiện lắp ráp dạng CKD cho nhiều mẫu xe máy Suzuki.
Sự việc bắt nguồn từ khi cơ quan chức năng kiểm tra chống thất thu thuế tại doanh nghiệp và đã phát hiện, xử lý ấn định với 24 tờ khai của năm 2012 nhập khẩu mặt hàng linh kiện lắp ráp dạng CKD cho xe máy Suzuki model GZ150, UA125, EN125 của Visuco. Theo quyết định của cơ quan chức năng vào tháng 11/2013, tổng số thuế được ấn định là 30,8 tỷ đồng.

Lý do được đưa ra để tính lại thuế là các linh kiện mà Visuco nhập khẩu để sản xuất xe gắn máy Suzuki GA150-A, EN125-A FI, UA125T FI… không đáp ứng được mức độ rời rạc theo quy định của Thông tư 49/2010/TT-BTC và Thông tư 194/2010/TT-BTC. Ngoài ra, nhà cung cấp Trung Quốc của Visuco ghi cụm từ “linh kiện ở tình trạng CKD” trên một số chứng từ liên quan như vận đơn, hóa đơn thương mại, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Theo đó, mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu theo khai báo trên tờ khai, hồ sơ tài liệu đính kèm tờ khai và thực tế hàng hóa nhập khẩu đều thể hiện là “linh kiện lắp ráp dạng CKD cho xe máy Suzuki (dung tích 149cc) model…”, đã được định danh chi tiết tại nhóm 8711 với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 75%, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 45%.

Dẫn chiếu hàng loạt quy định hiện hành, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho rằng, bộ linh kiện nhập khẩu theo dạng CKD các modetl GA150-A, EN125-A FI, UA125T FI của Visuco là chưa hoàn chỉnh, nhưng đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh. Các linh kiện doanh nghiệp mua trong nước chỉ là các loại vòng đệm, bu-lông, van ruột xe, nhãn, logo, đinh vít, tay nắm… 

Bởi vậy, cơ quan hải quan đã yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu theo mức cho dạng CKD, thay cho thuế nhập khẩu cho linh kiện mà doanh nghiệp đã được hưởng. 

Một doanh nghiệp xe máy cho hay, thuế nhập khẩu linh phụ kiện xe máy chỉ bình quân khoảng 10%, cá biệt một số chi tiết vào khoảng 15%. Tuy nhiên, nếu coi là bộ linh kiện CKD và đạt tiêu chuẩn xuất xứ C/O form D trong ASEAN thì có thể được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 45%, nếu không thì phải chịu thuế nhập khẩu tới 75%.

Không đồng ý với quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan, Visuco cho rằng, sự khác biệt trong việc áp mã số thuế và mức thuế nhập khẩu tương ứng là do thiếu những hướng dẫn rõ ràng trong quy định về thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất xe máy. Điều này đã khiến Visuco rơi vào tình thế phải tự ra quyết định áp dụng mã số HS dựa trên sự hiểu biết hợp lý của mình.

“Với yêu cầu về độ rời rạc, Thông tư 49 và Thông tư 194 bao gồm những quy định chung áp dụng cho tất cả các hàng hóa là máy móc, nhưng lại chưa có quy định cụ thể nào cho mặt hàng linh kiện dùng để sản xuất xe gắn máy. Trong khi đó, mặt hàng linh kiện xe gắn máy và ô tô lại có những tính chất đặc biệt, đặc thù. Đối với ô tô, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các hướng dẫn rất cụ thể để hướng dẫn và phân loại về mức độ rời rạc của bộ linh kiện nhập khẩu phục vụ lắp ráp ô tô. Trong khi với xe máy lại không có các quy định cụ thể, hướng dẫn giải thích từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Masami Haga, Tổng giám đốc Visuco nêu ý kiến trong kiến nghị gửi tới cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp này cũng mong muốn được cơ quan hữu trách có thẩm quyền cho biết cụ thể về việc áp mã số thời gian qua chưa chính xác như thế nào để có thể khắc phục trong các hoạt động liên quan, tránh gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Hiện tại, Visuco là một trong 5 “đại gia” xe máy có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh số bán xe của Visuco đang thấp nhất trong trong 5 đại gia, với 50.500 xe trong năm 2013, chỉ chiếm 1/6 công suất hàng năm của Visuco (300.000 xe). Doanh số bán xe năm 2013 của các đại gia xe máy khác là Piaggio Việt Nam với 56.200 xe, SYM với 82.000 xe, Yamaha Việt Nam với 731.200 xe và Honda Việt Nam với 1,87 triệu xe.

Tin bài liên quan