Từ một doanh nghiệp ngoại đạo nhảy ngang sang làm thép, Hòa Phát đã vươn lên trở thành công ty dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.

Từ một doanh nghiệp ngoại đạo nhảy ngang sang làm thép, Hòa Phát đã vươn lên trở thành công ty dẫn đầu thị phần tại Việt Nam.

Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt

(ĐTCK) “Việt Nam có sẵn sàng cho khoảng 10 doanh nghiệp tư nhân lớn làm trụ cột cho nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP, giống như một vài nước trong khu vực hay không?”, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital đặt câu hỏi như vậy với Báo Đầu tư Chứng khoán trong một cuộc nói chuyện hồi đầu năm nay. 

Khi đó, P/E trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức đỉnh lịch sử và vốn ngoại vẫn đang chảy vào thị trường. Mặt bằng thị trường chứng khoán hiện nay đã giảm, nhưng câu hỏi của ông Dominic vẫn còn nguyên ý nghĩa trăn trở về sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam không chỉ về số lượng, quy mô doanh nghiệp, mà cả về chất lượng khi một số doanh nghiệp đang vươn lên ở vị trí dẫn dắt thị trường.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Tập đoàn này đã thành lập Công ty VinTech với định hướng tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT)…

Một mũi nhọn của Vingroup là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội.

Mục tiêu của VinTech City là tạo ra hệ sinh thái toàn diện để phục vụ cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm.

Các kế hoạch công bố của Vingroup cho thấy tập đoàn này không chỉ muốn vươn lên trong lĩnh vực công nghệ, mà còn muốn dẫn dắt sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam.

Công nghệ là lĩnh vực được xem là tiềm năng của Việt Nam vì nước ta có cơ cấu dân số trẻ, thông minh, ham học hỏi. Tuy nhiên, một môi trường cho việc phát triển ý tưởng thành hiện thực lại đang rất thiếu.

Nhiều người Việt trẻ có ý tưởng về công nghệ không thể phát triển ở trong nước, mà phải chọn môi trường nước ngoài. Nếu kế hoạch của Vingroup thành công thì sau 10 năm nữa Vingroup sẽ rất khác về quy mô, về giá trị vốn hóa.

Không phải ngẫu nhiên mà những tập đoàn lớn như Hanwha Hàn Quốc đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vào Vingroup. Họ muốn đặt một chân vào hành trình trỗi dậy của một công ty Việt Nam từ đầu.

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Tư vấn tài chính của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận xét, sự trỗi dậy của doanh nghiệp tư nhân gần đây như một đối trọng với các doanh nghiệp nước ngoài trong các hoạt động mua bán doanh nghiệp.

Tại Đại hội đồng cổ đông đầu tiên của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa qua, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietjet, đại diện nhóm cổ đông lớn đã trúng cử vào Hội đồng quản trị.

Nhóm cổ đông Vietjet - HDBank là nhà đầu tư nội duy nhất đăng ký mua hết toàn bộ cổ phần mà PV Oil dự định bán cho nhà đầu tư chiến lược, cạnh tranh với hai tên tuổi lớn đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhóm cổ đông nội này có những lợi thế riêng không thể phủ nhận, khiến lãnh đạo của PV Oil từng kỳ vọng có cả nhà đầu tư nội và nhà đầu tư ngoại trở thành cổ đông chiến lược là tốt nhất.

Tuy thương vụ chào bán cho cổ đông chiến lược của PV Oil đã dừng lại để chuyển sang phương án chào bán mới, nhưng dù chào giá cạnh tranh hay đấu thầu công khai thì nhóm cổ đông Vietjet - HDBank vẫn sẽ là ứng cử viên nặng ký.

Cũng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu của PV Oil, một đại diện của nhóm cổ đông này cho biết, mục tiêu đầu tư vào PV Oil chưa thể tiết lộ hết dù việc đưa PV Oil trở thành nhà cung cấp xăng máy bay có nằm trong kế hoạch.

Tiềm năng phát triển trong tương lai của Vietjet Air rất lớn, bởi từ hai điểm là Hà Nội và TP.HCM có thể bay đến các khu vực 3/4 dân số thế giới trong khoảng vài giờ bay.

Vietjet được đánh giá là một trong những tập đoàn sẽ vươn lên vị trí dẫn dắt ngành, bởi thị phần mà hãng hàng không này có được là do tự tạo lập, không phải cạnh tranh từ các hãng khác.

Đề cập tới sự trỗi dậy của nhà đầu tư nội trên thị trường M&A vừa qua, không thể không nói đến thương vụ Thaco đầu tư vào CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh - Gia Lai (mã chứng khoán HNG).

Số tiền mặt Thaco đã đầu tư, bao gồm cả rót vào HNG qua trái phiếu, mua dự án Myanmar, mua cổ phiếu HNG khoảng 7.800 tỷ đồng.

Nhưng để cơ cấu nợ và phát triển HNG, Thaco sẽ đầu tư tiếp lên đến 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Số vốn này gấp gần 4 lần lợi nhuận dự kiến của Thaco trong năm 2018.

Việc cứu Hoàng Anh Gia Lai tưởng rằng chỉ có nhà đầu tư ngoại, nhưng cuối cùng Thaco đã xuất hiện. Nhiều người ngạc nhiên khi Thaco bước chân sang lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực ra công ty này đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp từ trước đó bằng việc liên kết với Lộc Trời, đầu tư vùng nguyên liệu Thái Bình…

Mua cổ phần của HNG gần như cơ hội duy nhất để Thaco đầu tư quy mô lớn vào nông nghiệp với mục tiêu đưa HNG thành tập đoàn dẫn đầu trong trồng và chế biến cây ăn trái của khu vực. Không có doanh nghiệp nào sở hữu quỹ đất lớn như HNG.

Dư luận vẫn băn khoăn về nguồn vốn gần 1 tỷ USD mà Thaco sẽ đầu tư ở đâu ra. Tuy nhiên, giới báo chí cho rằng, cách đây nhiều năm Thaco đã bỏ 11.000 tỷ đồng để mua lại vốn góp tại Đại Quang Minh thì con số 1 tỷ USD hiện tại không phải là quá khó. Hơn nữa, số vốn này giải ngân theo tiến độ và có thể có các phương án huy động vốn khác.

Trong lĩnh vực thép, dự án Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất với quy mô vốn đầu tư 3 tỷ USD cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Với một dự án lớn, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết đã phải cân nhắc rất kỹ và có những thời điểm đứng trước thách thức tưởng như phải từ bỏ chủ trương này, nhưng rồi câu hỏi “Hòa Phát muốn có tên trên bản đồ thép thế giới hay không?” lại thôi thúc Hòa Phát quyết tâm triển khai bằng được.

Từ một doanh nghiệp ngoại đạo nhảy ngang sang làm thép, Hòa Phát đã đứng trước nhiều nghi ngờ, rằng biết gì về thép mà làm.

Nhưng rồi, Hòa Phát đã vươn lên trở thành công ty dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, công ty có vị thế trong khu vực và xa hơn sản phẩm của Tập đoàn không chỉ là thép xây dựng, mà còn là các sản phẩm thép chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu.

Sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt không chỉ ở năng lực tài chính, mà còn ở giá trị gia tăng mà các thương hiệu này mang đến cho người tiêu dùng và cho xã hội.

Với xuất phát điểm ở quy mô nhỏ, sự vươn lên của các thương hiệu Việt thời điểm này có ý nghĩa không để bị tụt lại phía sau so với các đối thủ ở các nền kinh tế trong khu vực.

Quay trở lại câu hỏi của ông Dominic, Việt Nam có sẵn sàng? Nếu như đó là quy luật của sự phát triển thì không thể nằm ngoài quy luật đó. Giai đoạn 10 năm tới, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt trong thời điểm này sẽ kết trái.

Tin bài liên quan