Sự tích về trái tim nhà mạng thương hiệu Việt

Lần đầu tiên, một công ty Việt Nam đã phát triển thành công Hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS) cho mạng viễn thông – sản phẩm tương tự như Core Banking của ngân hàng nhưng quy mô và mức độ phức tạp lớn hơn nhiều lần.

Đối với các công ty viễn thông, hệ thống tính cước được coi như “trái tim” bởi nó chứa toàn bộ dữ liệu về khách hàng, các sản phẩm, dịch vụ, chính sách kinh doanh…

Trên thế giới chỉ có khoảng 3 nhà cung cấp lớn nhất về hệ thống này, bán cho tất cả các nhà mạng và đều là những tập đoàn lớn nhất thế giới về nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông như Amdocs, Ericsson, Huawei…

Khởi tạo từ số 0

Cho đến năm 2011, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đã có hơn 7 năm sử dụng hệ thống tính cước của những đối tác hàng đầu thế giới. Thế nhưng, các kỹ sư cũng như đội ngũ kinh doanh của Viettel đều chưa hài lòng.

Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh ở Việt Nam (sau 4 năm Viettel đã vươn lên vị trí số 1), hệ thống tính cước của Viettel không ngừng phải nâng cấp, thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Vinh (Ban Nghiên cứu sản xuất - Viettel), thành viên lớn tuổi nhất (năm nay 58 tuổi) trong đội ngũ xây dựng OCS thời kỳ đầu cho biết: “Mỗi thay đổi đều cần nhiều tháng vì phải gửi đề nghị, xem xét, đàm phán hợp đồng, rồi mới tìm cách thực hiện. Trong khi đó, mọi việc ở Viettel đều rất gấp, đặc biệt là khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài…”.

Từ khi cung cấp dịch vụ thông tin di động, khoảng 3 năm, Viettel lại phải thay hệ thống tính cước và thời gian chuyển đổi gần nhất mất hơn 1 năm. Các OCS mua của đối tác thường đáp ứng nhu cầu thay đổi theo hướng chậm dần đều và gặp trục trặc khá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Vinh nhớ lại: “Lúc đó, anh Trung (ông Tống Viết Trung – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) nói với chúng tôi: Mình phải tự làm thôi.

Sự tích về trái tim nhà mạng thương hiệu Việt ảnh 1

Cứ phụ thuộc vào đối tác như thế này thì giống như bị trói chân, trói tay”. Khi ấy Viettel chưa từng phát triển một hệ thống lõi công nghệ nào cho mạng viễn thông, tất cả kiến thức có được chỉ là kinh nghiệm vận hành OCS của đối tác và họ phải khởi tạo từ số 0.

Người Việt Nam làm được!

Khi mới cung cấp dịch vụ thông tin di động, khách hàng của Viettel phần lớn là người có thu nhập thấp và dùng điện thoại di động lần đầu tiên.

Sau mỗi cuộc gọi, họ thường nhắn tin để kiểm tra tài khoản khiến cho tải của OCS luôn rất cao, hệ thống gặp trục trặc liên tục. Nhưng cũng nhờ đó, những kỹ sư Viettel học được nhiều kiến thức cả về chi tiết cụ thể cũng như cấu trúc tổng thể của hệ thống từ đối tác.

Sau vài năm, họ có thể cùng đối tác phát triển các tính năng mới cho OCS như chặn cuộc gọi, chặn tin nhắn làm phiền (dịch vụ bảo vệ khách hàng đầu tiên của nhà mạng ở Việt Nam), HomePhone - điện thoại di động nội vùng GSM (trước chỉ có ở CityPhone), HappyZone – gói cước theo vùng Viettel… Sự tự tin về khả năng tự làm OCS của người Viettel được củng cố.

Tuy nhiên, trong một chuyến công tác tới tổng hành dinh đối tác, 6 kỹ sư giỏi nhất của Viettel bị sốc. “Tôi hơi ngợp khi đến trung tâm nghiên cứu phát triển của họ. Nó giống như một thành phố”, Nguyễn Hoàng Long – Giám đốc đầu tiên của dự án OCS Viettel kể lại.

“Khi được đề nghị cho lời khuyên về dự án tự phát triển OCS với 20 kỹ sư, phía đối tác cười và cho biết ‘cần 2.000 kỹ sư và phát triển ròng rã trong 4 năm’.

Chúng tôi choáng váng nhưng rất tự ái khi họ nghĩ là những kỹ sư Việt Nam không thể làm được”, Lê Văn Hiên (một thành viên làm OCS thời kỳ đầu) chia sẻ.

Sau 3 tháng tìm hiểu, các kỹ sư Viettel phát hiện ra rằng, làm OCS rất khó nhưng không phải là điều không thể. “Người Việt Nam làm được!”, Nguyễn Hoàng Long khẳng định. Tuy nhiên, kỹ sư này cũng hiểu, mình và các đồng nghiệp cần cách làm rất khác.

Lớn lên sau mỗi thất bại

Năm 2011, khi bắt đầu tự phát triển hệ thống OCS, các kỹ sư Viettel khởi động với triết lý “nhóm nhỏ làm việc lớn”. Mỗi thành viên trong dự án sẽ kiêm nhiều việc khác nhau và làm không kể ngày đêm.

Sau 2 năm, phiên bản OCS 1.0 made by Viettel ra đời với dung lượng 1 triệu thuê bao/site và được vận hành tại Đông Timor – thị trường quốc tế nhỏ nhất nhưng đem lại lợi nhuận nhanh nhất cho Viettel (chỉ sau 6 tháng vận hành). Sau đó một năm (năm 2014), phiên bản OCS 2.0 với dung lượng 8 triệu thuê bao/site được hình thành.

Sự tích về trái tim nhà mạng thương hiệu Việt ảnh 2

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel (người phụ trách các dự án CNTT của tập đoàn này) chia sẻ: “Chúng tôi đã thử và sai rất nhiều nhưng niềm tin về ‘người Việt Nam làm được’ lớn dần sau mỗi lần vượt qua thất bại”.

Còn Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc hệ thống OCS đầu tiên của Viettel thì không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lần thử nghiệm bất thành. Kỹ sư này cho biết: “Làm một việc khó cần giữ nhiệt huyết của cả đội luôn cháy. Đây là bài học quan trọng bậc nhất của chúng tôi khi làm sản phẩm OCS”.

Tuy nhiên, ngay cả khi có rất nhiều nhiệt huyết và niềm tin, dự án “trái tim nhà mạng” made by Viettel cũng có lúc tưởng chừng rơi vào ngõ cụt. Phiên bản 2.0 bị chính “người nhà” từ chối khi tham gia đấu thầu dự án tại Cameroon.

Hơn nữa, việc chưa thể tìm ra tính năng cũng như công nghệ đột phá giúp OCS của Viettel vượt lên các đối thủ quốc tế khiến một số thành viên bị stress nặng, trầm cảm và rời dự án.

Tháng 9/2015, Viettel vẫn quyết định phát triển vOCS 3.0. Lúc này, số lượng gói cước tại thị trường Việt Nam đã lên tới hơn 1.000 nên việc phát triển OCS mới còn khó hơn trước.

Tuy nhiên, dự án đã có thêm nhiều thành viên mới với tổng số là 30 kỹ sư, 80% là 9x, trong đó có những sinh viên vừa tốt nghiệp.

Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách dự án OCS chia sẻ: “Chúng tôi tuyển nhiều bạn trẻ 9x vì họ rất nhiệt huyết, khả năng học hỏi và sáng tạo cao. Khi không đi theo lối mòn, kèm theo sự năng động và nhiệt huyết sẽ có khả năng tạo ra đột phá”.

Tháng 4/2017, vOCS 3.0 made by Viettel đã được triển khai thành công với 90 triệu thuê bao tại Việt Nam.

Hệ thống OCS mới có dung lượng hơn 24 triệu thuê bao/site – lớn nhất thế giới (dung lượng lớn nhất mà một tập đoàn thiết bị viễn thông từng triển khai thành công là 12 triệu đầu số/site).

Nhận xét về OCS mới, Nguyễn Văn Hùng – Trưởng phòng BO CNTT Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu, Tổng công ty mạng lưới Viettel (người vận hành hệ thống OCS) nói: “So với hệ thống của đối tác nước ngoài, cảnh báo ‘rác’ (PV - những cảnh báo thừa, không cần thiết) giảm tới 10 lần, giúp các kỹ sư vận hành đỡ tốn công hơn.

Bên cạnh đó, việc chuyển sang hệ thống mới chỉ mất 4 tháng, bằng 1/3 thời gian so với hệ thống của đối tác trước đây mà không xảy ra trục trặc lớn. Điều này hứa hẹn việc triển khai chính sách kinh doanh cũng như gói cước mới trên vOCS 3.0 sẽ thuận lợi và nhanh hơn rất nhiều”.

Giấc mơ thành hiện thực sau 17 năm

Triển khai thành công tại 6 quốc gia (Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Peru và Việt Nam) với số lượng thuê bao quản lý là 140 triệu, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu. 

Trước đây, đối tác cần tới 50 chuyên gia cho việc triển khai một hệ thống OCS có quy mô 80 triệu thuê bao thì vOCS 3.0 made by Viettel chỉ cần 3-5 người, với thời gian chỉ bằng 1/3… Hệ thống mới giúp Viettel tiết kiệm khoảng hơn 70 triệu USD chi phí đầu tư. Tuy nhiên, tiền không phải là lợi ích quan trọng nhất.

Sự tích về trái tim nhà mạng thương hiệu Việt ảnh 3

Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách dự án OCS cho biết, với việc làm chủ hệ thống tính cước theo thời gian thực, Viettel sẽ xử lý nhanh và chuẩn xác hơn các bài toán kinh doanh viễn thông – nơi mà năng lực Big Data là một sức mạnh quan trọng trong thời đại số.

“Giờ đây, việc nhiều người dùng chung một tài khoản di động, Internet…; tính cước cho những đối tượng khác nhau trên cùng một sim di động (lúc tính tiền cho tài khoản công ty, lúc tính cho tài khoản cá nhân) đã làm được với hệ thống mới. Rất nhiều tiện ích đặc biệt sẽ được cung cấp nhờ vOCS 3.0”, Phạm Tuấn Anh tiết lộ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ về điều đặc biệt nhất của vOCS 3.0, yếu tố mà theo vị lãnh đạo này thì “chính những người đã tạo ra vOCS 3.0 cũng chưa hiểu hết”.

CEO Viettel tâm sự: “Khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel đã theo đuổi ước mơ là ‘coi mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt, cần được lắng nghe, cần được phục vụ một cách riêng biệt’ - tức là mỗi người là một gói cước.

Và chúng ta, cho đến hôm nay là 17 năm, đã thực hiện được ước mơ ấy. Khi mang điều này ra thế giới, Viettel có thể tạo ra một thay đổi lớn”.

Theo ông Hùng, nhờ có vOCS 3.0, Viettel sẽ có chiến lược marketing và kinh doanh hoàn toàn khác biệt, không giống bất kỳ ai trong hàng nghìn nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên toàn cầu. “Và đấy chính là cơ hội cho Viettel chinh phục thế giới, đi ra nước ngoài mạnh mẽ hơn nữa”, CEO Viettel khẳng định.

Còn với nhóm làm sản phẩm vOCS 3.0, nhiệm vụ phía trước là triển khai thành công cho tất cả các quốc gia mà Viettel kinh doanh.

Quan trọng hơn, sản phẩm của Việt Nam phải bán được cho các nhà mạng khác trên thế giới thì nhiệm vụ của “trái tim nhà mạng” thương hiệu Việt mới hoàn thành.

Tin bài liên quan