Sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí kinh doanh

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí kinh doanh

Kể từ ngày 1/11/2020, tất cả doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). “Sử dụng HĐĐT sẽ làm giảm chi phí cho cơ sở kinh doanh”, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, hiện mới có 85% doanh nghiệp sử dụng máy tính kết nối Internet. Sử dụng HĐĐT bắt buộc doanh nghiệp phải có máy tính kết nối Internet, liệu có khiến các doanh nghiệp tăng chi phí không, thưa bà?

Hiện tại, tới 99,9% doanh nghiệp đã kê khai thuế điện tử và trên 95% doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử. Tính đến cuối năm 2017, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có 119,7 triệu thuê bao điện thoại di động, khoảng 10,8 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, nên việc sử dụng HĐĐT không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, bởi sử dụng HĐĐT không chỉ sử dụng máy tính có kết nối Internet tại trụ sở doanh nghiệp, mà chủ doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thể sử dụng các thiết bị điện tử khác của cá nhân như smartphone, tablet hoặc máy tính của gia đình có kết nối Internet đều có thể thực hiện được. 

Tôi không biết ngành thống kê điều tra, khảo sát theo mẫu hay trên diện rộng, doanh nghiệp trả lời thế nào để kết quả mới có 85% doanh nghiệp sử dụng máy tính kết nối Internet.

Tôi khẳng định, gần như 100% doanh nghiệp đã tương tác với cơ quan thuế qua môi trường mạng, bảo đảm đủ điều kiện để áp dụng HĐĐT trên diện rộng và không làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Vì dù không sử dụng HĐĐT, người dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vẫn sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin thông minh và vẫn phải trả phí thuê bao hàng tháng cho tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông.

Sử dụng HĐĐT, doanh nghiệp phải trả phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT, chữ ký số, chữ ký điện tử, trong khi đó, sử dụng hóa đơn truyền thống thì không phải trả các khoản phí này, thưa bà? 

Sử dụng hóa đơn giấy truyền thống gồm hóa đơn mua của cơ quan thuế, hóa đơn đặt in và tự in hóa đơn thì doanh nghiệp vẫn phải mất chi phí.

Cơ quan thuế chỉ bán hóa đơn cho một số ít đối tượng như tổ chức không phải là doanh nghiệp, nhưng có hoạt động kinh doanh; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý, trốn thuế, gian lận thuế… với giá 50.000 - 60.000 đồng/quyển hóa đơn (50 số).

Tất cả các đối tượng còn lại phải tự in hóa đơn hoặc đặt in hóa đơn với chi phí còn lớn hơn gấp nhiều lần (giá trị mỗi quyển hóa đơn đặt in trên thị trường rơi vào khoảng 200.000 - 400.000 đồng). 

Như vậy, so với việc trả phí cho tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số, chữ ký điện tử, dịch vụ HĐĐT, thì chi phí đặt in, tự in còn cao hơn gấp nhiều lần. Chưa kể, sử dụng HĐĐT, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn có thể quảng bá, quảng cáo, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ với chi phí vô cùng thấp so với đặt in hay tự in hóa đơn.

Nhưng nếu so với việc mua hóa đơn tại cơ quan thuế, chi phí sử dụng HĐĐT cao hơn rất nhiều?

Như tôi đã nói, đối tượng được cơ quan thuế bán hóa đơn rất ít, ngay cả doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế; doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý, trốn thuế, gian lận thuế cũng chỉ được cơ quan thuế bán hóa đơn trong vòng 12 tháng.

Hết thời hạn, căn cứ tình hình thực tế, cơ quan thuế có thể từ chối tiếp tục bán hóa đơn, buộc doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn tự in hoặc đặt in.

Còn đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế (mã xác thực) không thu tiền.

Tổng cục Thuế cũng cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã xác thực miễn phí trong vòng 12 tháng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu miễn phí sử dụng HĐĐT có mã xác thực đối với các loại doanh nghiệp nhỏ khác, để khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng HĐĐT trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. 

Như vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh sẽ không phải mất chi phí khi sử dụng HĐĐT có mã xác thực như việc mua hóa đơn giấy truyền thống của cơ quan thuế. Các đối tượng khác phải trả phí khi sử dụng HĐĐT cũng tiết giảm được rất nhiều thời gian, công sức, chi phí trong việc thiết kế, in ấn, sử dụng, bảo quản, lưu trữ, tìm kiếm so với hóa đơn giấy đặt in, tự in.

Kể từ ngày 1/11/2020, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua. Nhiều người lo ngại, khi tất cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đều phải sử dụng HĐĐT sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của đối tượng này, thưa bà?

Hiện tại, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế thì không phải sử dụng hóa đơn. Hộ gia đình, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng, nhưng đang nộp thuế khoán tính theo doanh thu, không có nhu cầu sử dụng hóa đơn cũng không phải sử dụng hóa đơn, chỉ khi nào có nhu cầu thì họ được cơ quan thuế bán lẻ hóa đơn.

Với 2 đối tượng này, cũng không bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, tương tự không phải sử dụng hóa đơn giấy như hiện nay, nhưng nếu có nhu cầu cũng được cơ quan thuế cấp HĐĐT có mã xác thực và phải khai, nộp thuế trước khi được cấp HĐĐT theo từng lần phát sinh

Hiện cả nước có khoảng 1,7-1,9 triệu hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, trong đó chỉ có khoảng 7-10% thực hiện sổ sách kế toán. Nhiều hộ sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng, hoặc có doanh thu từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhưng vẫn đang thực hiện thuế khoán, dễ dẫn đến gian lận thuế, trốn thuế, thất thu ngân sách nhà nước.

Vì thế, bắt buộc các hộ này phải sử dụng HĐĐT, thực hiện đầy đủ giấy tờ, sổ sách kế toán và nộp thuế theo kê khai, chứ không được nộp thuế khoán, tức là đối tượng này được quản lý như doanh nghiệp. 

Thực chất, quy mô hoạt động của nhiều hộ kinh doanh thậm chí còn lớn hơn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nên nếu tiếp tục áp dụng thuế khoán sẽ mất công bằng, tạo ra khe hở để hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước. Quản lý thuế nói chung, hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán đối với hộ lớn như doanh nghiệp còn là động lực thúc đẩy đối tượng này thành lập doanh nghiệp.

Tin bài liên quan