Kinh doạnh sân golf có thể được coi là ngành kinh doanh có điều kiện

Kinh doạnh sân golf có thể được coi là ngành kinh doanh có điều kiện

Số phận trái ngược của 2 sân Golf Ruby và Ngôi sao Hạ Long

Số phận các sân golf dường như đã được định đoạt sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định loại 9 sân golf cũ và bổ sung 15 sân golf mới vào quy hoạch sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020. Nhưng xem ra, “cửa” chưa đóng đối với các sân golf còn lại.

“Số phận” trái ngược đối với hai sân golf Ngôi sao Hạ Long (Quảng Ninh) và Đảo Hòn Ngọc (Ruby Island Golf Course - Quảng Ngãi), cho dù cả hai sân golf này thời gian qua đều được UBND các tỉnh đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vào quy hoạch sân golf đến năm 2020. Theo Quyết định 795/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tuần trước, thì Đảo Hòn Ngọc nằm ngoài, còn Ngôi sao Hạ Long nằm trong quy hoạch bổ sung, với 96 sân golf.

Như vậy, Công ty cổ phần Sân golf Ngôi sao Hạ Long có thể thở phào, còn Công ty Năm Bảy Bảy, dù đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư, song không thể không sốt ruột khi kế hoạch đầu tư của mình có nguy cơ đổ bể.

Đặt câu hỏi về việc liệu “cửa” đã đóng với các sân golf còn lại, khi quy hoạch đã được Chính phủ quyết, câu trả lời mà phóng viên Báo Đầu tư nhận được từ ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch sân golf, đó là “không”.

Theo ông Thắng, đây là một quy hoạch mở, tức là sẽ có chuyện vào - ra quy hoạch.  “Chúng ta cấp phép dựa trên cam kết, chứ không phải trên thực tế đã triển khai. Nếu sau một thời gian, nhà đầu tư không xây dựng dự án, phải có biện pháp để xử lý, thu hồi và loại ra khỏi quy hoạch”, ông Thắng nói.

Và một điều quan trọng, theo ông Thắng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất bãi bỏ việc xây dựng quy hoạch sân golf, mà thay vào đó, sẽ coi kinh doanh sân golf là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. “Nếu đủ điều kiện, không tranh chấp tài nguyên với lĩnh vực khác, mà địa phương thấy đất đai đó phù hợp, thì cho làm sân golf, chứ không nhất thiết phải theo một quy hoạch chung cứng nhắc”, ông Thắng chia sẻ.

Thông tin này đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam. “Xây dựng sân golf phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chứ không thể theo một quy hoạch tĩnh được. Ví như ở Đà Nẵng, có 3 sân golf nằm trong quy hoạch, nhưng hai sân golf hiện đã hoạt động đều đang quá tải. Sau này, khi Đà Nẵng trở thành một trung tâm hàng không, khách du lịch đến nhiều, mà lại chỉ quy hoạch cứng 3 sân golf, thì sao đáp ứng được nhu cầu. Bỏ quy hoạch là đúng”, ông Hảo nói.

Đương nhiên, giới đầu tư cũng sẽ là những người ủng hộ kế hoạch này. Vì thế, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Duy Thành, Tổng giám đốc Sân golf Đầm Vạc (Vĩnh Phúc) còn cho rằng, việc bỏ quy hoạch có thể coi là một tầm nhìn có tính chiến lược. “Trong kinh tế thị trường, không thể quản lý một cách duy ý chí được. Dù phát triển ngành nghề gì, thì cũng phải bám sát cung - cầu thị trường. Nếu chỉ quy hoạch cứng, thì sẽ kẹt”, ông Thành bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, GS-TSKH Nguyễn Mại thì cho rằng, sao có thể quy hoạch được những cái mà mình còn chưa biết sau này sẽ phát triển ra sao. “Phát triển sân golf phụ thuộc vào nhu cầu và nên xem golf là một môn thể thao, mà người ta đã đưa vào Olympic. Nhìn như thế để không nên hạn chế. Cái chúng ta cần quan tâm chỉ là không cho phát triển một cách bừa bãi và Nhà nước nên định hướng phát triển một cách phù hợp”, ông Mại nói.

Không chỉ là định hướng, theo ông Thắng, một khi coi kinh doanh sân golf là một ngành kinh doanh có điều kiện, thì các điều kiện sẽ được đặt ra một cách chặt chẽ, để đảm bảo tài nguyên đất đai được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

“Sẽ quản lý nhà nước với các sân golf theo hướng giao đất cho nhà đầu tư, nhưng nếu sau 2 - 3 năm mà không triển khai thì sẽ thu hồi, chi phí đã đầu tư vào đó không được hoàn trả. Làm như vậy sẽ buộc nhà đầu tư phải tính toán xem có nên xin sân golf hay không và sẽ không có chuyện xin dự án rồi để đấy”, ông Thắng nói và cho biết, dù đề án liên quan đến việc coi kinh doanh sân golf là một ngành kinh doanh có điều kiện chưa chính thức được chắp bút, song theo hình dung của ông, đây sẽ là một trong những ngành có điều kiện kinh doanh thuộc diện ngặt nghèo nhất.

“Không chỉ là điều kiện, mà cả chế tài cũng sẽ khắt khe, vì kinh doanh sân golf liên quan đến tài nguyên đất đai của quốc gia. Cũng không nên quá lo ngại việc nếu ‘mở’ như thế thì sẽ có nhiều sân golf, bởi đó là vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư sẽ là người phải tính toán kỹ, lỗ họ phải chịu. Còn cơ quan quản lý, khi cấp phép, cũng phải tính sao cho phù hợp với điều kiện địa phương”, ông Thắng nói.

Như vậy, cửa vẫn mở cho kinh doanh sân golf. Thậm chí, theo ông Thắng, ngay cả khi đề xuất việc bãi bỏ quy hoạch sân golf không được chấp thuận, thì quy hoạch sân golf vẫn là một quy hoạch hoàn toàn mở.

Tin bài liên quan