Hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới cần được điều chỉnh hợp lý theo tình hình mới

Hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới cần được điều chỉnh hợp lý theo tình hình mới

Sáu giải pháp cải thiện cán cân thương mại Việt – Trung

Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, đã đến lúc phải có những điều chỉnh cần thiết, theo hướng tận dụng lợi thế về địa lý để gia tăng xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế buôn bán tiểu ngạch, giảm dần nhập siêu hàng năm, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Hội nhập kinh tế quốc tế thiết lập quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa nước ta với từng nước, từng tổ chức kinh tế khu vực và từng định chế tài chính quốc tế đòi hỏi phải tư duy đúng đắn vấn đề độc lập, tự chủ về chính trị và kinh tế, chức năng nhà nước dân tộc trong thế giới hiện đại; đặt lợi ích dân tộc làm căn bản cho việc xử lý các quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế.

Đó là những vấn đề có tính nguyên tắc. Việc xử lý quan hệ Việt - Trung, trong đó có quan hệ thương mại, phải bảo đảm tính nguyên tắc đó.

Định hướng quan hệ thương mại với Trung Quốc là tận dụng lợi thế về địa lý, truyền thống, cửa ngõ của Trung Quốc với ASEAN để gia tăng xuất nhập khẩu chính ngạch, hạn chế đến mức hợp lý buôn bán tiểu ngạch, giảm dần nhập siêu hàng năm, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Trên cơ sở định hướng đó, xin gợi ý một số giải pháp chính để tận dụng tốt nhất lợi thế của nước ta, khắc phục những yếu kém đã được phát hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong thương mại với Trung Quốc.

Một là, đối với những chủ trương của Trung Quốc như tạm thời cấm các công ty quốc doanh nước này tham gia đấu thầu hợp đồng mới ở Việt Nam, một số công ty du lịch hủy bỏ các tour đến nước ta cần được coi là những tín hiệu tiêu cực đầu tiên về quan hệ kinh tế, không thể đơn giản hóa khi nhận định, từ đó nghiên cứu, phân tích tác động trực tiếp đối với từng hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, dự báo những thủ đoạn mà Trung Quốc có thể thực hiện trong bước tiếp theo, chủ động đề ra các giải pháp đồng bộ để ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước mọi tình huống.

Hai là, việc xử lý quan hệ thương mại với Trung Quốc phải gắn với quá trình tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, theo đó phát triển có chọn lọc ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh, trong đó có cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ thích ứng với nhu cầu từng loại sản phẩm để vừa tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, vừa giảm dần nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Ba là, trong điều kiện nước ta đang đàm phán để tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU, Hàn Quốc, Nga…; nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm cách chuyển từ xuất khẩu hàng hóa sang đầu tư, điển hình là các dự án dệt, nhuộm, may quy mô lớn để tận dụng ưu đãi mà nước ta được hưởng khi các FTA này có hiệu lực.

Chính phủ cần lưu ý động thái mới đó để có chủ trương rõ ràng đối với việc chuyển hướng này, hướng dẫn chính quyền địa phương, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp thực hiện thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng mỗi nơi làm theo một cách.

Bốn là, trong việc điều hành quan hệ thương mại với Trung Quốc, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan đóng vai trò rất quan trọng.

Đó là vai trò của Bộ Công thương trong việc xây dựng Chiến lược Thị trường đối với Trung Quốc; hướng dẫn và quản lý quan hệ thương mại hai chiều, trong đó có buôn bán tiểu ngạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng dẫn và quản lý doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy sản với Trung Quốc. Hải quan các cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu và ngăn ngừa, xử lý để giảm thiểu tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Trước tình hình mới trong quan hệ giữa hai nước, cần đánh giá đúng thực trạng phát triển quan hệ thương mại hai chiều, nhìn lại chủ trương, chính sách và giải pháp điều hành vĩ mô để kịp thời sửa đổi, bổ sung định hướng và chính sách, quy định pháp luật nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả trong hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Năm là, chính quyền tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan điều tra hoạt động của doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam có quan hệ buôn bán với Trung Quốc. Trên cơ sở chỉ dẫn của các cơ quan trung ương, sẽ điều chỉnh hợp lý hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, tổ chức hợp tác giữa doanh nghiệp ở địa phương để bảo đảm không cạnh tranh lẫn nhau về giá cả, phương thức thanh toán hàng hóa; tuyên truyền, giáo dục nông dân, kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý những hiện tượng bất thường của thương lái Trung Quốc dùng thủ đoạn bất chính trong mua hàng ở nông thôn.

Các tỉnh có biên giới chung với Quảng Tây, Vân Nam, như Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh là những địa phương có cửa khẩu quốc tế, hoạt động thương mại diễn ra khá đa dạng và phức tạp, cần coi trọng việc thu thập, xử lý thông tin hàng ngày, nhất là các sự kiện, diễn biến bất thường để chủ động đối phó.

Sáu là, doanh nghiệp và thương nhân là chủ thể trong quan hệ thương mại với Trung Quốc cần từ kinh nghiệm thành công và thất bại phải trả giá đôi khi khá đắt trong việc chọn đối tác Trung Quốc để tìm được những bạn hàng có tiềm năng, tin cậy làm ăn lâu dài; trên cơ sở đó quan tâm đến việc hợp tác giữa các doanh nghiệp, thương nhân từng ngành hàng để thống nhất về giá cả, phương thức mua bán, thanh toán, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán gây thiệt hai cho phía Việt Nam. Ở đây, vai trò các hiệp hội ngành nghề cần được phát huy trong việc tổ chức quá trình phân công và hợp tác giữa các doanh nghiệp, thương nhân cùng ngành hàng.

Bối cảnh mới của quan hệ Việt - Trung là cơ hội để nhận diện đúng quan hệ thương mại giữa hai nước nhằm điều chỉnh định hướng, chính sách và hệ thống giải pháp mở rộng quan hệ xuất nhập khẩu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, bảo đảm lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.

Tin bài liên quan